Câu chuyện Vườn Eden trong Kinh thánh chứa đựng nhiều biểu tượng về sự lựa chọn giữa tâm Ki-tô và tâm phản Ki-tô xảy ra trong nội tâm mỗi người. Thượng đế được mô tả trong chuyện kỳ thực là một vị chân sư tâm linh đã chứng đạt tâm Ki-tô toàn vũ, cho nên thày đại diện cho đấng Ki-tô toàn vũ. Chân sư là vị thày dẫn dắt Adam và Eva – biểu tượng cho một số đông những người đồng sáng tạo – trên đường tu đạt quả vị Ki-tô cá nhân. Nhóm người đồng sáng tạo đó khởi sự với một khả năng tự nhận biết hạn chế và một bản sắc sinh thể tách biệt, nhưng đường tu tập sẽ đưa họ hợp nhất với nguồn cội, tìm lại bản sắc chân thực là những đứa con của Thượng đế. Kinh thánh có nói về Ki-tô như vầy, “Thế nhưng người nào mà tiếp nhận ngài, ngài sẽ ban cho quyền năng trở thành con Thượng đế” (John 1:12). Cho nên con đường dẫn đến quả vị Ki-tô cũng là Con đường của Duy nhất.
Trên chặng đường tâm linh, học trò phải đối mặt và khắc phục được cám dỗ dùng tâm phản Ki-tô để tách mình ra khỏi vị thày và nguồn cội của mình, và thay vào đó tìm cách hợp nhất với nguồn cội. Điều này được biểu tượng qua “trái cây của hiểu biết thiện ác” trong vườn Eden. Chìa khóa để lãnh hội ẩn ý đằng sau biểu tượng này là nhận ra một sự khác biệt vi tế nhưng thiết yếu. Với tâm Ki-tô, bạn nhìn thấy rõ Đấng Sáng tạo là nguồn gốc của tất cả, tức là có một thực tại duy nhất nằm bên dưới những hình dạng muôn vẻ. Bạn thấy được mục đích của Đấng Sáng tạo và lợi ích cho bản thân mình khi mình tuân thủ quy luật của ngài. Bạn cũng thấy cái ta cao hơn của mình đã quyết định tạo ra cái Ta Biết để góp phần vào tíến trình sáng tạo của Thượng đế. Vì thế không hề có mâu thuẫn nào giữa mục đích của Đấng Sáng tạo và những ước muốn cao quý của bạn.
Trong tâm Ki-tô có một tiêu chuẩn tuyệt đối để phân biệt thiện hay ác, đó là chân hay giả. Tâm Ki-tô biết rõ điều chân là hợp nhất với mục đích cùng quy luật Thượng đế, còn điều giả là tách rời khỏi mục đích lẫn quy luật Thượng đế.
Khi bạn nhìn thế giới với tâm phản Ki-tô, bạn không thể nhận ra tính duy nhất nằm ẩn dưới mọi sự sống cùng mục đích và quy luật Thượng đế. Tức là tâm phản Ki-tô không thể nhìn thấy thực tại, mà nó chỉ nhìn thấy một hình ảnh của thực tại do nó dựng ra, phóng chiếu lên thực tại. Điều này được nhấn mạnh trong hai điều răn đầu trong số mười điều răn, “Con không được có thần nào khác trước ta. Con không được làm bất cứ tượng chạm nào cho con” (Exodus 20). Ý muốn nói rằng khi bạn nhìn thế giới với tâm phản Ki-tô, bạn tạo ra một hình tư tưởng về Thượng đế mà bạn muốn thấy, xong bạn phóng chiếu hình ảnh đó lên Thượng đế, để rồi bạn thờ phượng một thần tượng, làm che mất Đấng Sáng tạo chân chính vượt mọi hình tướng.
Trong tâm phản Ki-tô, không có tiêu chuẩn tuyệt đối nào để phân biệt thiện và ác, mà trái lại thiện ác trở thành những khái niệm tương đối, chỉ tồn tại trong mối quan hệ với nhau. Thiện là đối nghịch của ác, và ác là đối nghịch của thiện. Ấy vậy mà tâm phản Ki-tô lại cố định nghĩa cả thiện lẫn ác, nhưng cả hai đều xa rời thực tại, và cái thiện của phàm phu không làm sao đồng điệu được với cái thiện tuyệt đối của Thượng đế. Chính vì cái nhìn này mà con người có thể tạo ra một tấm màn ảo tưởng chia cách họ với nguồn cội, rồi họ quên luôn nguồn cội đó. Đấy cũng là lý do họ có thể tin rằng mình là những con thú thông minh thay vì là những đấng tâm linh, hay là những kẻ tội lỗi đốn mạt thay vì là con của Thượng đế. Thậm chí, họ còn tin rằng họ là những con người rất sùng đạo, bảo đảm sẽ được cứu rỗi mai hậu, trong khi họ vẫn bị giam trong cái tâm tách biệt, không làm sao bước vào Nước Trời ở ngay tâm họ bây giờ.
Đó là tại sao Giê-su nói đến con đường chân và con đường giả như sau: “Con hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng với đường lớn dẫn đến hủy diệt, mà kẻ vào đó lại nhiều. Song cửa hẹp với đường chật mới dẫn đến sự sống, và kẻ tìm được thì ít.” (Matthew 7)
Đây là một điều mà bạn cần tận tình suy ngẫm cho đến khi hoàn toàn nhập tâm. Lý do là vì bạn đã lớn lên trong một xã hội bị tâm phản Ki-tô ảnh hưởng bằng nhiều cách rất tinh vi. Nhiều cơ chế đủ loại trong xã hội đã có thể tự ý định nghĩa thế nào là “sự thật” mà họ cam đoan là không thể sai lầm. Chính vì có quá nhiều đoàn nhóm tuyên bố mình nắm giữ “sự thật” chắc nịch như thế – thay vì tìm về chân lý Thượng đế trong viễn kiến trong suốt – mà hành tinh chúng ta phải chứng kiến vô số xung đột dường như không cách nào giải quyết. Những “sự thật” đó do con người tạo ra khiến cho hai nhóm thù địch có thể giết hại lẫn nhau nhân danh cùng một Thượng đế. Nhưng đây không do tôn giáo sai lầm mà do loài người thực hành tôn giáo sai lầm.
Thực tế là mọi vấn nạn hiện nay trên địa cầu đều do con người bị mù quáng bởi tâm phản Ki-tô. Và có quá nhiều vấn nạn và xung đột dường như vô phương cứu chữa là vì con người tiếp tục nhìn tình thế với cái tâm phản Ki-tô chỉ biết lý luận nhị nguyên, tương đối. Có một quy luật ngàn đời nói rằng bạn không thể giải quyết một vấn đề với cùng cái tâm thức đã tạo ra vấn đề. Mỗi vấn nạn trên địa cầu đều có cách giải quyết cả, nhưng để tìm thấy cách giải quyết tốt nhất đó, bạn phải trước hết nâng tâm thức mình lên cao hơn cái tâm thức đã gây ra vấn nạn. Và bởi vì mọi vấn nạn đều xuất phát từ tâm phản Ki-tô cho nên bạn phải vươn lên tâm Ki-tô trước tiên. Chính vì vậy mà Giê-su mới nói, “Trước tiên con phải quăng cây đà khỏi mắt mình, rồi con mới thấy rõ để lấy hạt bụi khỏi mắt anh em” (Matthew 7:5).
Hiện nay có hàng triệu người đã tình nguyện đầu thai vào đúng thời điểm này trong lịch sử vì họ mong muốn giải quyết những vấn đề tràn lan trên địa cầu, giúp đưa địa cầu vào một kỷ nguyên mới tốt đẹp hơn, hay ngay cả một Thời Hoàng kim hoà bình thịnh vượng. Tuy nhiên để điều này thành hình, nhân loại phải học đầy đủ bài học mà đáng lý đã phải học từ Giê-su và sứ mệnh của thày khi trước. Bài học căn bản là bạn có một chọn lựa khác hơn là cái “sự thật” tương đối, nhị nguyên của tâm phản Ki-tô. Tâm phản Ki-tô chỉ biết suy nghĩ trong đối cực hai bên, một bên phải đúng và bên kia phải sai. Nhưng Giê-su dạy rằng khi nào cái nhìn còn bị chia đôi thì cả hai đối cực đều không đúng, “Ánh sáng của thân thể là con mắt; cho nên khi mắt con đơn nhất, toàn thân con cũng sẽ tràn ngập ánh sáng; nhưng khi mắt con xấu ác, thân con cũng sẽ tràn ngập bóng tối.” (Luke 11:34)
Con mắt xấu ác chính là viễn kiến bị phân chia giữa hai đối cực tương đối của tâm phản Ki-tô. Cho nên để hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng cá nhân, bạn phải trước hết nâng cao tâm thức hầu bắt đầu nhìn vượt thấu tấm màn do cái nhìn nhị nguyên phản Ki-tô dựng lên. Và chỉ khi nào mắt bạn đơn nhất, có nghĩa khi cái nhìn không còn chia thành đối cực tương đối, thì bạn mới thấy rõ cách giải quyết những vấn đề cá nhân cùng những vấn nạn to lớn hơn. Chỉ khi nào có đủ túc số những người đạt được viễn kiến đơn nhất của tâm Ki-tô thì họ mới có thể nâng xã hội vào một kỷ nguyên mới. Bởi vậy, điểm khởi đầu là tẩy sạch những ảo tưởng phản Ki-tô khỏi tâm mình và vươn lên viễn kiến Ki-tô – khi đó bạn sẽ tìm được giải pháp cho những vấn đề mà bạn đã tới đây để giải quyết.
Như Giê-su có nói, “Nhưng trước hết, con hãy tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của ngài, rồi tất cả những thứ kia sẽ được bồi thêm cho con” (Matthew 6:33). Nước Trời tức là tâm thức Ki-tô, và khi bạn có được thì giải pháp cho mọi vấn để sẽ được ban thêm cho bạn. Và một lần nữa, Giê-su cũng nói, “Điều đó loài người không thể làm được, nhưng với Thượng đế thì mọi điều đều làm được” (Matthew 19:26). Bạn chỉ có thể ở nơi Thượng đế qua tâm Ki-tô.