Bài giảng của chân sư thăng thiên Serapis Bey qua trung gian Kim Michaels, ngày 4/1/2016.
TA LÀ chân sư thăng thiên Serapis Bey. Con có thể chờ đợi những gì khi con đến tầng thứ ba tại khóa nhập thất của thày, là tầng nơi con gặp sự phối hợp của Tia thứ Tư của Tinh khiết với Tia thứ Ba của Tình thương? Dĩ nhiên, con có thể chờ đợi gặp được tình thương của thày.
Điều này phần nào đặt ra một vấn đề cho một số đệ tử của chân sư thăng thiên đã nhìn Tia thứ Tư từ một nhãn quan nào đó, và cũng nhìn thày như một vị thày kỷ luật nghiêm khắc. Như thày đã có nói, thày không nghiêm khắc và thày cũng không kỷ luật bất cứ ai. Ở tầng thứ ba, học trò nào mà chưa buông bỏ hình ảnh này về thày, cần làm điều này trước khi con có thể thực sự bắt đầu các khai ngộ ở tầng này. Tất nhiên thày sẽ giúp con làm điều đó, một phần bằng cách nói chuyện với con, phần khác chứng tỏ là thày cũng là một vị thày của tình thương giống như mọi Thượng sư khác.
8.1. Tại sao con không cần sợ các chân sư
Như các thày đã nói nhiều lần, con không thể trở thành một chân sư thăng thiên khi con còn bất kỳ loại sợ hãi nào trong bản thể mình. Con trở thành một chân sư thăng thiên bằng cách vươn lên tới mức tâm thức nơi con là cánh cửa mở cho dòng tình thương chảy xuống từ cõi thăng thiên. Không thể có sợ hãi trong tâm một chân sư thăng thiên.
Hiển nhiên có nhiều người trên địa cầu sợ gặp một chân sư thăng thiên hay một thiên thần. Con có thể thấy trong Kinh thánh có nhiều đoạn khi thiên thần hiện ra trước một người, thiên thần sẽ nói “Đừng sợ”, vì người đó mang lòng sợ hãi đối với mọi chuyện dị thường. Nhiều học trò của chân sư có thể mang lòng sợ hãi là họ không thể giấu giếm bất cứ gì khỏi mắt thày. Như thày đã nói, khi con ở khóa nhập thất của thày, tất nhiên là con không thể giấu gì với thày. Nhưng một lần nữa, nếu con ở khóa tu của thày với ý định cất bước trên đường khai ngộ mà thày cống hiến, tại sao con lại muốn che giấu bất cứ gì khỏi thày?
Điều thày muốn chứng tỏ cho con là cho dù thày có thấy gì trong tâm thức của con, thày vẫn thương yêu con, vẫn giúp con khắc phục và vượt khỏi điều kiện đó hoàn toàn. Như thày có giảng, mức thứ tư là cái lỗ kim, và Tia thứ Tư tượng trưng cho điểm trong khóa tự điều ngự mà con không thể bước xa hơn cho đến khi con thanh tẩy ý định của mình. Khi nói “thanh tẩy ý định của mình”, dĩ nhiên các thày muốn nói đến một vài điều. Nhu cầu thanh tẩy nền tảng là con cần thanh tẩy ý định của mình cho không còn ý định nào xuất phát từ lòng sợ hãi, và vươn tới mức con chỉ còn lại những ý định xuất phát từ tình thương.
Để làm được điều này, tất nhiên con phải sẵn lòng xem xét những ý định dựa trên sợ hãi mà con đang có. Nếu con sợ là thày sẽ lên án con nếu thày nhìn thấy ý định loại đó nơi con, thì hiển nhiên con không thể xem xét chúng. Con sẽ tìm cách che giấu chúng khỏi chính con, tưởng rằng nếu con có thể che giấu khỏi chính mình thì con cũng sẽ che giấu được với thày. Hiển nhiên là không phải vậy. Con có thể giấu một số chuyện với chính con, nhưng con không thể giấu được với thày, vì lý do giản dị là thày không có lòng sợ hãi nơi thày, và do đó không có gì mà một điều gì đó có thể lẩn trốn đằng sau.
8.2. Lòng sợ hãi che giấu như thế nào
Con thấy chăng là chỉ có sợ hãi mới dựng lên một bức tường để con giấu cái gì đó đằng sau? Làm thế nào sợ hãi lại tạo ra một bức tường che giấu? Thật ra sợ hãi không hình thành một bức tường, sợ hãi không có chất gì có khả năng che chắn. Nhưng sợ hãi khiến con không sẵn lòng nhìn vào một điều gì đó. Và tất nhiên khi con không sẵn lòng nhìn vào thì điều đó sẽ nằm ẩn giấu khỏi tâm ý thức của con, có phải không? Không có một chất nào có thể che chắn được mắt con nếu con thực sự sẵn lòng nhìn vào.
Đây cũng là tại sao con không có gì phải sợ khi con nhìn vào một điều gì đó trong tâm lý mình. Con sẽ khắc phục nỗi sợ bằng cách nhìn vào nó. Thật ra cách duy nhất để khắc phục sợ hãi là nhìn vào nó, là nhìn xa hơn cái con sợ để thấy nó không đến nỗi tồi tệ như con tưởng, và nó không thể ngăn con tiến bước trên đường tu.
Điều các sa nhân đã làm là trao cho con nỗi sợ là nếu con xem xét một số điều trong tâm thức và tìm thấy một số khía cạnh của tâm thức sa ngã trong tiềm thức mình, thì chân sư sẽ chối từ con và con không thể tiến xa hơn trên đường tu. Không có gì xa hơn sự thật. Nào các thày có bao giờ bảo con phải thanh lọc mọi ô uế khỏi tâm thức mình trước khi con có thể trở thành học trò của chân sư thăng thiên đâu?
Con thử nghĩ đi. Thày là Thượng sư của Tia sáng thứ Tư của Tinh khiết. Vai trò của thày là gì? Là giúp học trò áp dụng Tia thứ Tư tiêu trừ bợn nhơ của mình. Nếu con không có bợn nhơ thì tại sao con lại cần thày giúp? Toàn bộ công việc của thày trong vai trò Thượng sư chỉ nhắm tới việc giúp mọi người khắc phục bợn nhơ của họ. Làm sao thày có thể được việc nếu thày cứ liên tục phán xét và kích bác học trò về tội họ mang những bợn nhơ mà thày đang cố giúp họ khắc phục? Thật chẳng nghĩa lý gì khi con suy nghĩ một chút, nhưng đương nhiên sa nhân sẽ tìm cách ngăn con suy nghĩ để con trốn đằng sau nỗi sợ hay con giấu bợn nhơ đằng sau nỗi sợ.
Thật ra con có thể che giấu bợn nhơ của con khỏi các thày giả trong hàng ngũ giả hiệu. Lý do là thày giả cũng có sợ hãi nơi họ. Cho nên những gì con không nhìn thấy, thì trong một số trường hợp, họ cũng không nhìn thấy nếu họ đã không sẵn lòng xem xét nơi bản thân họ. Thày hy vọng con sẽ nhận ra là tất cả mọi sa nhân và mọi thày giả đều có lòng sợ hãi trong sinh thể họ.
Một sinh thể càng có vẻ có nhiều quyền lực và khả năng kiểm soát thì sẽ càng mang nhiều sợ hãi trong sinh thể của y. Tại sao con lại cần kiểm soát chứ? Để con có thể sống với nỗi sợ hãi của con! Nỗi sợ càng lớn thì con càng cần phải kiểm soát để sống được với nó. Con cần suy ngẫm điều này với tâm ý thức. Con cần quan sát thế giới và nhìn xem các nhà lãnh đạo suốt lịch sử và ngay cả bây giờ, đã cai trị người dân với bàn tay sắt đá như thế nào – nếu có thể nói như vậy – và đã cố tình gieo rắc sợ hãi như thế nào trong lòng những ai theo họ. Họ làm vậy vì chính họ sợ hãi.
Con yêu dấu, con đang đi trên đường tu tự điều ngự, con không thể cho phép mình sợ hãi một ai trong thế giới vật lý hay ngay cả trong ba tầng cõi kia. Nếu con tha thiết đi theo chân sư thăng thiên, con không thể cho phép mình cũng đi theo một người thày dựa trên sợ hãi. Như thày đã từng nói, thật không có gì sai trái nếu con quyết định hay nhận ra là mình muốn có trải nghiệm đi theo một người thày dựa trên sợ hãi mà con có thể che giấu một số khía cạnh của tiềm thức mình. Nếu con cần trải nghiệm đó, thày sẽ tôn trọng quyền tự quyết của con, nhưng tất nhiên khi đó thày sẽ không thể giúp con, và cũng không ích gì con ở lại trong khóa nhập thất của thày. Nhưng thày sẽ không lên án con, thày sẽ không giận con. Thày sẽ đơn giản sẵn sàng đón con trở lại khi nào con chán ngấy trải nghiệm đó và mong muốn một vị thày dựa trên tình thương. Chân sư thăng thiên là những vị thày hoàn toàn dựa trên tình thương. Các thày không có nhu cầu kiểm soát con vì các thày không sợ hãi con hay bất cứ gì khác.
8.3. Phát hiện những ý định dựa trên sợ hãi
Con hãy suy nghĩ thật kỹ về điều này, vì công việc mà thày cần con làm một cách ý thức – song song với việc ban đêm trong các thể thanh cao, con bước theo các khai ngộ ở tầng thứ ba tại nhập thất của thày – chính là con nhìn vào đời mình, nhìn thế giới, và xét xem những ý định nào của con xuất phát từ sợ hãi. Nếu con nhìn thế giới ngày nay, con sẽ thấy tuyệt đại đa số mọi người đều có toàn bộ ý định của họ dựa trên sợ hãi.
Các sa nhân thật thiện nghệ trong việc sử dụng lòng sợ hãi nơi bản thân chúng để kiểm soát người khác. Có thể nói đó chính là một định nghĩa về sa nhân. Thày có nói là nhiều sa nhân đã sa ngã trong một bầu cõi trước, và theo một nghĩa nào đó, kinh nghiệm này đã dạy cho chúng cách sử dụng lòng sợ hãi, sử dụng chính những nỗi sợ của chúng để kiểm soát người khác mà không phải khắc phục những nỗi sợ này. Chúng vẫn mang sợ hãi nhưng chúng đã học được cách sử dụng sợ hãi để điều khiển người khác. Tất nhiên là chúng đang làm điều mà thày đã có giảng, là sử dụng một khả năng tự điều ngự nào đó để tự chủ. Bề ngoài chúng có vẻ làm chủ được bản thân, nhưng đây không phải là tự điều ngự đích thực.
Sa nhân giỏi làm cho con cảm nhận là con đang sống trong một thế giới mà con phải sợ hãi. Nỗi sợ này khoác vô số những hình dạng khác nhau. Và tất nhiên, có thể nói là cơ sở của nỗi sợ này là những điều kiện mà con chứng kiến trong cõi vật chất trên địa cầu. Như thày có nói trong bài giảng trước, sa nhân đã định ra một số định luật phụ thuộc của tự nhiên, vì đây là một bầu cõi chưa thăng thiên. Cho nên chúng đã định ra một số định luật, một số điều kiện mà dưới mắt hầu hết mọi người sẽ gây ra một nỗi khó khăn, một thử thách, một chướng ngại, một đối nghịch, một đe dọa. Thày không bảo là, chẳng hạn, bệnh tật không phải là một thực tế, dù là tạm thời, trên hành tinh này. Thày cũng không bảo là nguy cơ chiến tranh xung đột không có thật hay không hiện hữu.
Điều thày muốn nói là các sa nhân đã thành công trong việc khiến cho nhân loại đồng-sáng tạo những điều kiện mà con chứng kiến trong vũ trụ vật chất. Rồi sa nhân đã sử dụng những điều kiện này để gieo rắc lòng sợ hãi trong quần chúng, khiến hầu hết mọi người bỏ ra cả đời mình để thi hành các ý định xuất phát từ sợ hãi. Đa số bỏ ra toàn bộ sức lực của mình để tìm cách bù đắp phần nào những nỗi sợ này, tìm cách khuây khỏa những nỗi sợ này để họ có thể sống chung với chúng. Như câu thành ngữ quen thụôc, tất nhiên đây không phải là cách sống đời mình, ít ra dưới nhãn quan của một chân sư thăng thiên.
Tuy nhiên, đây là một cách sống cho những ai đã không nhận lãnh trách nhiệm về bản thân cũng như về trạng thái tâm mình. Họ đã sẵn có một cái cớ ngay trong các điều kiện của vũ trụ vật chất để cảm thấy là mình không cần nhìn vào những nỗi sợ của mình. Họ không cần nhận lãnh trách nhiệm, họ không cần chấp nhận là họ có quyền năng vươn lên cao hơn, không những nỗi sợ mà cả những điều kiện mà họ sợ. Nếu con không muốn nhận trách nhiệm về bản thân, con cần một lý cớ để làm vậy. Và sa nhân đã cung cấp gần như vô số lý cớ như vậy qua lòng sợ hãi các điều kiện trong thế giới vật chất.
Khi con kinh qua các khai ngộ ở tầng thứ ba của khóa nhập thất của thày, và trong khi con đọc bài thỉnh mỗi ngày, thày cần con nhìn một cách ý thức vào các ý định của mình. Thày cần con xem xét đã có bao nhiêu chuyện con đã làm và đang làm trong đời mình, nhằm hoặc bảo vệ bản thân khỏi một số điều kiện mà con sợ rồi bù đắp cho chúng, hoặc làm dịu bớt lòng sợ hãi đối với chúng hầu con có thể sống chung với chúng.
Thày cần con, nếu có thể, lập ra một danh sách. Đây có thể là một danh sách trong đầu hay một danh sách viết trên giấy – thày để con tùy ý. Con cần lập ra một loại danh sách ghi lại những ý định dựa trên sợ hãi mà con đã từng hành sự trong đời con cũng như con đang hành sự ngày hôm nay. Xong thày cần con lập một danh sách khác là những ý định mà con đang có hay muốn có nếu con không có sợ hãi.
8.4. Nguyên nhân gây sợ hãi là các điều kiện nội tâm
Con hiểu là con không thể đạt được tự điều ngự nếu toàn bộ đời con bị nuốt trọn trong nỗ lực nhằm bảo vệ bản thân khỏi các điều kiện trong vũ trụ vật chất hay bù đắp cho chúng. Con không thể tự điều ngự nếu toàn bộ đời con nhằm bù đắp hoặc làm dịu bớt những nỗi sợ mà con có. Tự điều ngự chỉ có thể đạt được bằng cách thăng vượt những nỗi sợ mà con có.
À con yêu dấu, thày biết là ở mức này, rất nhiều đệ tử của thày phải đối mặt với một vấn đề cụ thể do sa nhân tạo ra ở một mức độ nào đó, hay ít ra do chúng quy định. Nhiều đệ tử đến với thày khi họp nhóm tại nhập thất của thày ở tầng thứ ba, và họ nói: “Nhưng Serapis Bey, chúng con vẫn còn đang hiện thân trong cõi vật lý. Chúng con hiểu là thày như một chân sư thăng thiên không sợ các điều kiện trên địa cầu như chiến tranh, bệnh tật hay nghèo đói. Chúng con hiểu chuyện này, nhưng liệu thày chẳng thấy là chúng con vẫn đang đầu thai và chúng con có nguy cơ trải qua những điều kiện đó hay sao? Chúng con tưởng là khi mình đạt được tự điều ngự, mình cũng sẽ đạt được tâm làm chủ vật chất hầu né tránh những điều kiện đó ở cõi vật lý, nhưng bây giờ chúng con hiểu ra – và thày cũng đang bảo vậy – là chúng con chưa có được khả năng tự điều ngự này, và rất có thể chúng con sẽ không có ngay cả khi hoàn tất khóa tu. Vậy làm sao chúng con có thể khắc phục sợ hãi khi không thể thay đổi điều kiện vật lý?”
Con yêu dấu, thày hiểu hoàn toàn tại sao con phải đối mặt với chuyện dường như khó xử này. Chính thày cũng từng đối mặt với nó khi còn hiện thân, y như mọi chân sư thăng thiên khác. Thế nhưng thày đã thăng thiên khỏi địa cầu và các chân sư khác cũng vậy. Làm thế nào thày đã thăng thiên? Vì thày nhận ra chìa khóa để khắc phục sợ hãi không phải là loại bỏ các điều kiện bên ngoài mà là làm việc trực tiếp trên nỗi sợ bên trong.
Sợ hãi không do điều kiện bên ngoài gây ra. Sợ hãi là do một điều kiện bên trong, một quyết định nào đó trong tâm con. Khi con bước vào tâm thức nhị nguyên, con cũng bước vào cõi của sợ hãi. Sợ hãi là người bạn đồng hành không thể tránh khỏi của tâm thức nhị nguyên và tách biệt. Tại sao như thế? Bởi vì bản chất của nhị nguyên chính là sự kiện con có một cái gì đó phản ứng với con mà sau đó con phản ứng lại.
8.5. Cuộc đời như một trận quần vợt
Như thày đã chỉ cho sứ giả này thấy, cuộc sống trong thế giới vật lý có thể ví như một trận đấu quần vợt. Nếu con đứng trên sân quần vợt với một chiếc vợt và một bộ banh, con có thể đánh banh sang bên kia sân, nhưng con có thể đánh như vậy được bao nhiêu lần nếu trái banh không trở lại? Con có thể học được gì về môn quần vợt nếu không có đấu thủ nào bên kia sân đánh banh lại cho con? Tất nhiên con có thể chọn không bước vào sân quần vợt, nhưng thật không có gì sai trái nếu con bước vào sân và bảo: “Tôi mong muốn trải nghiệm trò chơi quần vợt, thậm chí trở thành một cao thủ đạt tới mức điêu luyện, một mức điều ngự nào đó.” Chuyện bước vào nhị nguyên cũng không có gì nghiêm trọng hơn một trận đấu quần vợt, bất chấp toàn bộ tư duy cuồng đại dựa trên sợ hãi mà sa nhân quảng bá.
Từ một nhãn quan không sợ hãi, nhị nguyên chỉ là một trò chơi. Nó mang lại cho con một trải nghiệm nào đó, và con có thể đạt được một mức độ thành thạo nào đó khi con chơi trò này. Nhưng tất nhiên từ nhãn quan không sợ hãi đó, mục đích chơi trò nhị nguyên không nhằm đạt đến điêu luyện trong trò nhị nguyên, mà đạt đến điểm khi nó cho con một khả năng điều ngự cái ta để con có thể nói: “Thôi, tôi đã quá đủ trải nghiệm này rồi. Nó đã dạy tôi nhiều hơn về con người mà tôi là hay không là, và giờ đây tôi sẵn sàng bỏ trò chơi lại đằng sau.”
Con cần bắt đầu suy ngẫm một cách ý thức về những ý tưởng vừa rồi, bởi vì chắc chắn một trong những nỗi sợ vi tế nhất do sa nhân thúc đẩy là cái mà các thày gọi là tư duy cuồng đại. Tư duy này bảo rằng cuộc đấu tranh giữa hai thế lực của ánh sáng và bóng tối là một công cuộc trọng đại hàng đầu, và những gì con làm khi con chơi trò này – hay đúng hơn, khi con tham gia vào thực tế giả tưởng này – hệ trọng không thể tưởng tượng nổi.
Con cần đạt tới điểm nhận ra là không có gì xảy ra trên trái đất có tầm quan trọng như sa nhân quả quyết. Nếu con không nhận ra điều này, con sẽ không thể buông bỏ rất nhiều ý định vi tế đã được sa nhân tạo dựng dựa trên cuộc chiến cuồng đại giữa thiện và ác. Thày đã nói điểm này rồi và thày nói lại một lần nữa. Mục đích của các chân sư thăng thiên không phải là để đệ tử giao chiến với sa nhân. Mục đích của việc tự điều ngự không phải là để con có khả năng đánh bại sa nhân, đánh bại các thế lực của bóng tối đang gây ra đủ loại tệ nạn tàn ác trên trái đất. Khi nào con còn nghĩ đó là mục đích của mình, khi nào con còn có ý định đạt được loại quyền năng đó để đánh bại thế lực bóng tối, thì ý định của con vẫn dựa trên sợ hãi.
Con không cần đánh bại các thế lực bóng tối mà con cần đem lại ánh sáng. Con không thể là cánh cửa mở cho ánh sáng khi con còn có lòng sợ hãi trong con và chưa sẵn sàng nhìn vào những điều kiện trong chính tâm con. Làm thế nào để cuối cùng con khắc phục được nỗi sợ những điều kiện trên trái đất? Con sẽ không khắc phục được nỗi sợ bằng cách thay đổi các điều kiện, bằng các tiêu diệt, xóa bỏ chúng hay bằng cách bảo vệ bản thân mình khỏi chúng. Bất kỳ sự bảo vệ nào mà con tìm kiếm trên địa cầu, bất cứ sự bảo vệ vật chất nào, cũng sẽ trở thành nhà tù giam con lại. (Ở đây thày đang nói đến bảo vệ vật lý, vì bảo vệ tâm linh thì khác).
Những nhà quyền quý thời Trung cổ ngồi trong lâu đài kiên cố đã bị giam cầm trong lâu đài của họ. Những ai mặc áo giáp tuy được bảo vệ nhưng cũng bị giam trong cái hộp sắt, và thày có thể cam đoan với con đó không phải là một cảm giác dễ chịu. Con không khắc phục sợ hãi bằng cách loại bỏ điều kiện con sợ. Con chỉ khắc phục sợ hãi bằng cách đi vào nỗi sợ, nhìn ra là nó không có thực thể, nhìn ra quyết định mà con đã lấy khiến con tin nó có thực thể, và con tháo gỡ điều kiện đó đi.
8.6. Ý định dựa trên sợ hãi không thể khắc phục sợ hãi
Con yêu dấu, tới đây là sự ngộ ra một điều cốt yếu: Khắc phục sợ hãi không thể xảy đến qua một ý định dựa trên sợ hãi. Nếu ý định của con dựa trên sợ hãi, con không thể khắc phục sợ hãi. Cho nên một lần nữa, con lại phải đối mặt với một tình thế có vẻ khó xử, một tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nhưng tất nhiên, nó chỉ khó xử vì con nhìn nó từ một tâm trạng sợ hãi.
Đó là tại sao các khai ngộ mà con đối mặt ở tầng thứ ba tại nhập thất của thày nhằm giúp con phát huy một ý định dựa trên tình thương. Con có thể tự giúp mình bằng cách suy ngẫm điều này trong tâm ý thức. Ở tầng này, các thày làm rất nhiều việc nhằm giúp con khắc phục lòng sợ hãi nơi bản sắc thể, trí thể và cảm thể của con. Con chỉ có thể hoàn tất công việc bằng cách con cũng nhìn vào nỗi sợ với tâm ý thức của mình.
Con cần nhận ra điều thày vừa nói, rằng mục đích là khắc phục sợ hãi, nhưng con không thể khắc phục nếu ý định của con dựa trên sợ hãi. Con phải nẩy nở một ý định có ý thức dựa trên tình thương. Con làm điều này bằng cách suy ngẫm xem lý do nào đã thực sự dẫn con đến khóa nhập thất của thày, đã thực sự dẫn con vào con đường tâm linh và khóa tu này. Khi con lập danh sách những ý định xuất phát từ sợ hãi, con có thể thấy có một số ý định đã đưa con đến đường tu tâm linh. Hầu hết đệ tử đều có một số ý định dựa trên sợ hãi khiến họ bước trên đường tu. Họ tìm cách thoát khỏi một cái gì đó. Con tìm cách bù đắp những lỗi lầm mà chính mình đã phạm vào trong quá khứ hoặc những thiếu sót và bất toàn mà mình nhận thức nơi mình. Con tìm cách trở nên toàn hảo đến độ Thượng đế sẽ phải nhận con vào vương quốc cho dù con chưa thực sự chuyển đổi trạng thái tâm thức của con, ý niệm cái ta của con.
Khi con lập danh sách những ý định đó và thấy được là chúng dựa trên sợ hãi, một điều gì sẽ bật sáng trong con. Con sẽ nhận ra là mặc dù những ý định đó có ảnh hưởng đường tu của con, nhưng chúng không hoàn toàn giải thích được tại sao con lại đang bước trên đường tâm linh và tại sao con lại tới được điểm này khi con học cuốn sách này. Con không thể nào bước qua các khai ngộ của ba tia sáng đầu và đến được khai ngộ của Tia thứ Tư nếu ý định của con hoàn toàn xuất phát từ sợ hãi. Thật là không thể.
Đúng ra lòng sợ hãi đã phải khiến con bác bỏ khóa tu này từ lâu rồi, hay đã khiến con nói: “Tôi sẽ nghỉ chân chút xíu để mà tiếp tục sau đó” – cái “sau đó” không bao giờ tới. Khi con suy ngẫm điều này, con sẽ khám phá là có một cái gì con thương yêu về đường tu tâm linh, về các chân sư thăng thiên, về cõi thăng thiên, về ý tưởng tự thăng vượt, về ý tưởng bước đi trên đường đạo. Có cái gì đó mà con yêu thương và cái đó trở thành điểm trụ để con khắc phục những nỗi sợ của mình.
8.7. Tình thương là điểm trụ của con
Hẳn con đã nghe câu nói này của vị cha đẻ của khoa hình học, nhà hiền triết Hy lạp cổ Archimedes: “Hãy cho ta một điểm trụ và một đòn bẩy thì ta sẽ chuyển dời cả vũ trụ.” Cũng vậy, trong một cõi chưa thăng thiên vẫn bị lòng sợ hãi chi phối, chỉ có một điểm trụ mà thôi, đó là tình thương. Khi con có tình thương, con sẽ dời chuyển được vũ trụ. Đồng ý, thày cũng biết là ở mức hiện tại của con, có thể con chưa có đủ tình thương ở một cường độ và hàm lượng để mà chuyển dời vũ trụ. Thày không yêu cầu con chuyển dời vũ trụ mà chỉ yêu cầu con chuyển dời nỗi sợ kế tiếp mà con sắp sửa đối mặt ngay bây giờ. Sau đó tất nhiên, thày sẽ yêu cầu con chuyển dời nỗi sợ tiếp theo, nhưng thày sẽ chỉ yêu cầu con chuyển dời những gì con có khả năng làm được ở mức hiện thời của con thôi.
Đây là việc thày làm khi con gia nhập khóa tu của thày trong các thể thanh cao của con. Nếu con hòa điệu được với điều đó trong tâm ý thức, hầu hết các con sẽ có khả năng nhận ra trong ý thức nỗi sợ nào con đang tích cực làm việc. Xong con có thể xem xét nó, con có thể bước vào trong nó – với thày nắm tay con nếu con muốn – và con có thể thấy được tính không thực ở đằng sau nó.
Một lần nữa con hãy lưu ý, trên địa cầu có những điều kiện có thể hiện thực theo nghĩa tạm thời. Thày không yêu cầu con nhìn thấy tính không thực của điều kiện đó, mà nhìn thấy tính không thực của nỗi sợ của con đối với điều kiện. Thày biết rất rõ trên địa cầu có nhiều điều kiện có vẻ vô cùng hăm dọa. Có thể con gặp cảnh chiến chinh và phải bỏ mạng. Có thể con bị mắc chứng bệnh ngặt nghèo và qua đời. Cơ thể con sẽ càng ngày càng già đi và cuối cùng nó sẽ tắt thở. Hiển nhiên con không thể thay đổi những điều kiện này, nhưng điều thày yêu cầu con làm là nhận ra con không cần thay đổi chúng.
Sự thăng thiên và phát triển tâm linh của con không tùy thuộc vào việc con thay đổi bất cứ điều kiện nào bên ngoài con. Nó chỉ tuỳ thuộc vào một điều duy nhất, đó là con nhận ra không có một điều kiện nào trong vũ trụ vật chất có khả năng định đoạt con là gì như một sinh thể tâm linh.
Đây là một trong những tác động tinh vi nhất của sa nhân. Biết bao người trên trái đất tin rằng chính các điều kiện vật chất mới quy định họ, quy định họ là loại sinh thể gì, họ có thể làm gì và đặc biệt họ không được làm gì. Cho nên khi con bị bệnh tật, phải bỏ mạng trên chiến trường hay chết già, con tưởng cái đó quy định được con, cái đó ngăn cản con tiến bộ trên đường tâm linh.
8.8. Khắc phục nỗi sợ chết
Nhiều người đã sống cả đời lo sợ một điều kiện nào đó, chẳng hạn sợ chết. Thế rồi trên giường hấp hối, họ bỗng ngộ ra là chết không có gì đáng sợ, bởi vì chết không phải là hết, và họ sẽ tiếp tục sống. Thày nghĩ con cũng nhận ra là con sẽ tiếp tục sống mãi sau cái chết và con đã chết nhiều lần rồi trong bao nhiêu kiếp trước. Liệu con có hoàn toàn nhận ra trong tâm ý thức là cái chết không thể ngăn cản sự phát triển tâm linh hay thăng thiên của con?
Nếu con tin là Giê-su đã thăng thiên và cũng đã chết trên thập tự giá, thì con thấy đó, ngay đó, cái chết, cái chết vật lý, không ngăn cản con thăng thiên. Do đó mà con biết cái chết cũng không ngăn con học hỏi một số bài học và tăng trưởng. Cho dù con phải đối đầu với điều kiện nào trên địa cầu này đi nữa, cho dù nó có khủng khiếp tới đâu và khiến con khổ não và đau đớn tới đâu, nó vẫn không thể quy định được con, không thể ngăn cản được con tăng trưởng hay thăng thiên.
Nhiều người đã phải đối mặt với một điều kiện nào đó hầu khắc phục nỗi sợ của mình đối với điều kiện. Mục đích của thày với khóa học này và mục đích của các Thượng sư hiển nhiên là để giúp con đạt tới điểm con có thể khắc phục lòng sợ hãi các điều kiện vật lý mà không phải đối mặt và trải nghiệm những điều kiện đó. Các thày không muốn con sống những ngày còn lại của kiếp này trong nỗi sợ chết và chỉ khắc phục được nỗi sợ chết trên giường hấp hối. Các thày muốn con khắc phục nó ngay bây giờ để con có thể sống phần đời còn lại mà không sợ chết, không sợ bệnh tật, không sợ chiến tranh hay bất kỳ điều kiện nào khác mà con có thể sợ.
8.9. Lật bỏ các định luật tự nhiên
Đó là điều thày cố đạt được ở tầng thứ ba tại khóa nhập thất của thày. Tại sao lại quan trọng đến thế? Bởi vì như thày đã có giải thích, mục đích của khóa tự điều ngự này là để giúp con điều ngự các định luật cơ bản của tự nhiên do các Elohim quy định. Những định luật này có khả năng lật bỏ các định luật phụ thuộc của tự nhiên do sa nhân ấn định.
Con đã thấy Giê-su thực hiện những việc được gọi là phép lạ, nhưng đó không phải là phép lạ. Giê-su hiện thân trong một xã hội và ở một thời điểm khi mọi người bị giam trong lòng sợ hãi đến độ tâm trí lẫn thân xác họ bị lệ thuộc vào các định luật phụ thuộc của tự nhiên. Đối với họ, các định luật này là những chướng ngại tưởng chừng không sao vượt qua nổi. Giê-su chứng tỏ là khi con đạt được tâm thức Ki-tô, con có thể bắt đầu sử dụng các định luật cơ bản của tự nhiên để lật bỏ, gạt sang một bên, vô hiệu hóa các định luật phụ thuộc.
Mục đích của các thày là giúp con điều ngự các định luật cơ bản và thực sự khắc phục không những lòng sợ hãi các định luật phụ thuộc, mà ngay cả mong muốn điều khiển các định luật này. Như thày có nói, con có thể đạt được một khả năng điều khiển nào đó đối với các định luật phụ thuộc, và đó là chuyện các thày giả sẽ dạy con. Thày không dạy chuyện đó, và các Thượng sư khác cũng vậy.
Điều này cũng có nghĩa là con không sử dụng bừa bãi các định luật cơ bản của tự nhiên để lật bỏ các định luật phụ thuộc. Con sẽ thấy là Giê-su đã không chữa lành cho mọi người bệnh tật mà thày gặp. Thày đã không phục sinh cho mọi người thiệt mạng chung quanh thày. Thày đã không biến mọi bình nước thành bình rượu. Thày đã không đi bộ trên mặt nước mỗi ngày. Thày chỉ làm những việc đó để cho con thấy những gì có thể được thực hiện khi con xoay tâm mình từ một tâm trạng dựa trên sợ hãi sang một trạng thái tâm dựa trên tình thương. Qua đó, con đạt được khả năng thăng vượt, và con không còn bị ràng buộc bởi các định luật phụ thuộc của tự nhiên, mà thay vào đó con trở thành một cánh cửa mở để các định luật cơ bản của tự nhiên vận hành xuyên qua con.
8.10. Trở nên trung hòa
Chính con cũng vậy. Các thày không thể giúp con hoàn tất khóa tu này nếu con hình thành ý định muốn điều ngự các định luật cơ bản để khoa trương với người khác hay để chứng tỏ bất cứ điều gì với ai. Con hiểu là khi Giê-su thực hiện tất cả những cái gọi là phép lạ đó, thày đã không quyết định bằng tâm vỏ ngoài: “Tôi sẽ chữa lành người này.” Giê-su hoàn toàn trung hòa.
Giê-su là cánh cửa mở để đoàn chưởng giáo ở trên thày có thể hành động xuyên qua thày và quyết định xem người đó có nên được chữa lành hay không. Dĩ nhiên Giê-su đã nói: “Kẻ nào tin ta cũng sẽ làm được những việc ta làm.” Các thày có ý định đưa con tới điểm con có thể làm được những việc mà Giê-su đã làm, nhưng điều này không có nghĩa là Tánh linh sẽ làm cùng những việc xuyên qua con y như Tánh linh đã làm xuyên qua Giê-su. Đó là quyết định của Tánh linh, dựa trên một lượng định riêng biệt đối với mỗi hoàn cảnh thực tế.
Do đó, con không thể trở thành một cánh cửa mở nếu con có một ý định nào đó về những gì Tánh linh phải làm hay không được làm. Thày biết rõ ở mức này con chưa thể hoàn toàn khắc phục được ý định này. Nhưng thày muốn con có sự nhận biết để con ghi lại đâu đó trong tâm con. Có thể sẽ đến một thời điểm trên đường tu khi đây chính là cái ý định mà con cần phải khắc phục hầu tiến bước xa hơn.
Một lần nữa, các thày không có mục đích chế tạo ra một kết quả vỏ ngoài cụ thể nào trên địa cầu. Đúng vậy, Saint Germain có một kế hoạch thị hiện một thời hoàng kim trên trái đất, nhưng đó không phải là một kế hoạch được vạch ra trong từng chi tiết. Có rất nhiều khoảng trống để cho Tánh linh hoạt động cũng như cho quyền tự quyết trải bày. Chỉ có một ý định chung chung, và đó chính là cách vận hành của ý định dựa trên tình thương. Ý định dựa trên tình thương không phải là một cái áo bó tay bó chân. Thày có nói là con cần tự đặt mình cho thẳng hàng với đoàn chưởng giáo bên trên con, nhưng điều này không có nghĩa là con đánh mất quyền tự quyết và khả năng sáng tạo cá nhân của mình.
Khi con đứng thẳng hàng với Tánh linh, có những điều mà con sẽ không bao giờ nghĩ tới là con sẽ làm hay mong muốn làm. Trong khuôn khổ tổng quát của Sứ vụ Thiêng liêng của con và nhu cầu trước mắt, con vẫn có khoảng không gian để sử dụng khả năng sáng tạo và tự lấy quyết định. Đây là cách hiểu mà con cần phải đạt được, bởi vì nếu con sợ là con sẽ phải từ bỏ quyền tự do, quyền tự quyết cũng như sự sáng tạo của mình khi con bước trên đường tu và hoàn tất khóa này, thì đó sẽ lại là một ý định dựa trên sợ hãi sẽ kìm hãm bước chân con.
Đây không phải là vấn đề con mất đi ý chí tự do của mình, mà thật ra ý chí của con sẽ tìm được tự do vì con không còn ý định nào dựa trên sợ hãi do sa nhân lập trình nơi tiềm thức, qua đó chúng có thể điều khiển con, điều khiển những chọn lựa của con, thậm chí cả những chọn lựa mà con có thể thấy được.
8.11. Sáng tạo không bù đắp cho thiếu sót
Làm thế nào sa nhân kiểm soát được con người? Bằng cách giới hạn những chọn lựa mà con người có thể thấy được, bằng cách khiến con nghĩ là có những chuyện không thể làm hay không được phép làm, hoặc con nghĩ là con không thể hay không được phép thị hiện và biểu đạt tâm Ki-tô của con, hoặc con nghĩ là con không muốn chuyện gì đó vì nó sẽ giam con lại trong một chiếc áo tù bó tay bó chân.
“Ý định… ý định… ý định.” Ý định dựa trên tình thương sẽ giải thoát con khỏi mọi sợ hãi. Nó cũng sẽ giải thoát sự sáng tạo trong con để con có thể thực sự sáng tạo khi con nhìn ra và biểu hiện một viễn quan cao hơn, thay vì cố bù đắp cho những điều kiện, thiếu thốn và thiếu sót con chứng kiến trên địa cầu. Thày đồng ý với con là trên địa cầu có rất nhiều điều không lý tưởng, và lý tưởng nhất thì cần phải thay đổi. Có thể con đã tới đây để đem lại một số thay đổi cho địa cầu, nhưng sự thay đổi mà con tới đây để cống hiến không phải là một phản ứng trước các điều kiện bất toàn hiện hữu. Sự thay đổi đích thực, sáng tạo đích thực, là đem lại một cái gì mới mẻ đến độ nó thay thế hẳn những điều kiện hiện thời.
Thày có đề cập tới trận đấu quần vợt nơi con có một đối thủ đánh banh lại cho con. À, đó chính là một chức năng của sa nhân. Chúng hình thành một loại đối thủ cho tất cả những ai không đến nỗi hung hãn như chúng. Tất nhiên, chính con cũng hình thành một đối thủ cho chúng để tạo cho chúng một cơ hội chán ngán cuộc chơi.
Chúng sẽ là đối thủ của con cho tới khi con còn chơi trong trận đấu và bị kẹt lại trong nhị nguyên, cho tới khi con còn nghĩ là trong vai trò một đệ tử tâm linh, ý định của mình phải nhằm cải sửa, thay đổi, loại trừ những hạn chế hiện thời trên trái đất và diệt bỏ cái ác khỏi trái đất. Đó không phải là mục đích thật của con. Ý định chân chính của con dựa trên tình thương là chứng tỏ có một chọn lựa khác ngoài trạng thái tâm thức nhị nguyên.
Tại sao nền công nghệ hiện đại không thể giải quyết được mọi vấn đề? Tại sao cách tiếp cận ngành y khoa hiện thời không thể chữa lành được mọi bệnh tật? Đó là vì nó dựa trên sợ hãi, nó nhằm mục đích thay đổi các điều kiện khởi lên từ nhị nguyên thay vì đem lại một cách tiếp cận mới sẽ nhìn vào vấn đề từ một tâm thái yêu tình thương, và nhờ vậy cống hiến một giải pháp không nhằm bù đắp cho các giới hạn mà thăng vượt chúng hoàn toàn.
Thày đã cho con rất nhiều điều để suy ngẫm trong bài giảng này, nhưng thày không cho con nhiều hơn khả năng giải quyết của con ở tầng khai ngộ này. Nếu con đang học “cấp tốc” theo chương trình chín ngày cho mỗi bài học, có thể con sẽ muốn đào sâu hơn một chút về khai ngộ tình thương ở tầng này. Có thể con sẽ muốn dành thêm chút thì giờ xem xét ý định của mình, vì nó sẽ giúp con dễ vượt qua hơn cuộc khai ngộ ở tầng thứ tư khi con sẽ nhận được một liều tinh khiết gấp đôi. Con sẽ rất khó lòng xử lý một liều tinh khiết gấp đôi nếu con không có một ý định hoàn toàn dựa trên tình thương.
Serapis Bey TA LÀ.