Đại đa số tôn giáo phương Đông có dạy về ý niệm nghiệp quả, cũng hơi giống ý niệm tội lỗi trong Thiên Chúa giáo. Nhiều người tâm linh hiện đại cũng quen thuộc với ý niệm này, nhưng các chân sư đã thăng thiên nói gì về nghiệp quả? Có phải con đường tâm linh là con đường cân bằng nghiệp quả của mình không?
Chắc chắn là các chân sư nhìn nhận nghiệp quả là có thật, nhưng các thày cũng dạy rằng ta có thể hiểu về nghiệp quả ở nhiều trình độ. Đây cũng chính là một khái niệm hữu ích mà chúng ta nên hiểu. Các chân sư dạy rằng con người ở những mức tâm thức khác nhau, do đó giáo lý ở một mức độ nào đó không thể lôi cuốn được tất cả mọi người. Vì vậy các chân sư đã tiết lộ những giáo lý khác nhau thích hợp với từng trình độ tâm thức. Chúng ta hãy cùng nhau xem chuyện này áp dụng ra sao với chủ đề nghiệp quả.
Một số tôn giáo phương Đông trình bày rằng nghiệp quả liên quan tới hành động của bạn. Nếu bạn có hành động chẳng hạn như giết người thì bạn tạo nghiệp xấu. Và nếu bạn có những hành động khác, bạn tạo nghiệp tốt. Để nhập Niết Bàn, được cứu rỗi hay được thăng thiên, bạn phải cân bằng hết tất cả nghiệp bạn đã tạo ra trong kiếp này và các kiếp trước. Một cách để cân bằng nghiệp xấu, là bạn gặp chuyện xấu xảy ra cho bạn, ví dụ như bạn bị tai nạn, bị bệnh hay bị giết chết. Một cách khác để bù đắp là bạn tạo nghiệp tốt, ví dụ như bạn phụng sự hay làm việc từ thiện. Đại đa số tôn giáo phương Đông cũng nói rằng có những cách khác để cân bằng nghiệp quả. Bạn có thể dùng những bài tập tâm linh khác nhau để hóa giải nghiệp xấu và như vậy bạn sẽ mau chóng hội đủ điều kiện để nhập vào cõi cao hơn.
Các chân sư không chối bỏ những lời dạy này về nghiệp quả và hành động. Vào thập niên 1930, một vị chân sư là Saint Germain giới thiệu ngọn lửa tím. Đây là một năng lượng tâm linh rất thích hợp để hóa giải nghiệp. Như đã nói ở trên, thày Saint Germain cũng ban xuống một số bài cầu chú để thỉnh cầu năng lượng của ngọn lửa tím.
Tuy nhiên, bạn nên chú ý là giáo lý dạy nghiệp quả liên quan tới hành động chưa đưa ra một định nghĩa thật chính xác về nghiệp quả. Cũng giống như chữ “linh hồn”, nhiều giáo lý tâm linh dùng nó mà không định nghĩa rõ ràng. Giống như với ý niệm linh hồn, các chân sư thăng thiên cho chúng ta sự hiểu biết tinh vi hơn và nhiều lớp hơn về nghiệp quả.
Thật ra các thày nói rằng nhân loại tiến hóa và trải qua những giai đoạn khác nhau. Trong giai đoạn của Cựu Ước kinh, chúng ta phải học bài học về cải tạo hành động bên ngoài của mình. Do đó, mới có giáo lý dạy rằng nghiệp quả là hành động. Theo giáo lý này, bạn sẽ được cứu rỗi nếu bạn né tránh hành động tạo nghiệp xấu và cùng lúc bạn phải có hành động tốt tạo nghiệp tốt. Điều này được thể hiện trong Mười Điều Răn của Cựu Ước kinh như, “Con không được làm điều này, điều kia và con không được tạo nghiệp xấu.” Cũng có ý niệm “con mắt trả cho con mắt, cái răng trả cho cái răng,” câu này dựa trên ý cho rằng nếu mình giết một người, thì mình đáng bị giết trở lại để hóa giải cái nghiệp mà chính mình đã tạo ra.
Các chân sư dạy rằng giáo lý này có giá trị đối với một tầng mức tâm thức nào đó, vì ở mức tâm thức này, những người này chỉ có thể hiểu tới đó mà thôi. Những người này cần thay đổi hành động bên ngoài của họ để bớt tạo nghiệp xấu, và cách duy nhất để động viên họ là làm cho họ sợ những điều xấu sẽ xảy ra cho họ nếu họ không thay đổi hành động. Như vậy giáo lý dạy nghiệp quả là hành động có giá trị nhưng nó không đầy đủ.
Nhân loại cần được hiểu biết cao hơn về nghiệp quả vào thời đại do Giê-su khai mạc. Bạn để ý rằng Giê-su đi xa hơn nguyên lý “con mắt trả cho con mắt” trong Cựu Ước kinh khi Giê-su dạy “hãy chìa má bên kia ra” và tha thứ “bảy mươi bảy lần.” Giê-su cũng nói với chúng ta là “cõi Trời ở trong con”. Câu này có ý nghĩa rất sâu sắc. Như đã nói trước đây, ẩn ý là “cõi Trời” là một ẩn dụ chỉ tới một trạng thái tâm thức. Điều này có nghĩa rằng mình đi vào cõi Trời không phải bằng cách làm một số hành động bên ngoài mà hơn thế nữa mình cần phải chuyển đổi tâm thức. Nói cách khác, Giê-su xuống cõi trần để dạy chúng ta là muốn cân bằng nghiệp quả không phải là chuyện giản dị cải tạo hành động bên ngoài, mà chúng ta cũng còn phải cải tạo trạng thái tâm của mình.
Với hiểu biết chúng ta có hiện nay, chúng ta có thể bước xa hơn nữa. Dựa trên những gì chúng ta đã thảo luận trước đây, chúng ta có thể thấy rằng hành động của chúng ta đến từ điều kiện trong tâm ý thức và tiềm thức của chúng ta. Nói cách khác, ta có thể có một hành động dựa trên một quyết định từ tâm ý thức. Nhưng quyết định không phải là một quyết định tự do vì nó dựa trên cái nhìn của ta. Mà ta lại không nhìn thấy như thật, cái mà ta nhìn thấy là một hình tư tưởng mà tâm ta đã tạo ra. Nó là sản phẩm của những năng lượng và tin tưởng nằm ở trong cái kính vạn hoa của tâm ta. Dựa trên điều này ta có thể nói là có ba loại nghiệp quả.
14.1 Nghiệp quả vật lý
Bây giờ chúng ta đã biết là mọi sự đều là năng lượng cho nên chúng ta phải tiến lên một bước và vượt lên trên cái nhìn cho rằng chỉ có hành động tạo ra nghiệp quả. Nếu mọi sự đều là năng lượng, điều đó có nghĩa là tất cả mọi việc chúng ta làm cũng được làm bằng năng lượng. Nói cách khác, khi chúng ta có một hành động, điều mà chúng ta làm thật sự là tạo ra một xung lực năng lượng và phóng nó ra ngoài từ bên trong của chúng ta. Chúng ta gửi xung lực đó ra vũ trụ.
Albert Einstein nói rằng vũ trụ này được tạo ra từ cái “không gian-thời gian liên tục”. Ông cũng nói rằng cái trường liên tục này có thể tạo ra một vòng đóng lại. Einstein suy luận rằng nếu bạn du hành xa ra khỏi trái đất trên một phi thuyền không gian và bạn cứ tiếp tục đi theo một hướng, rốt cuộc bạn sẽ quay trở về điểm khởi hành từ hướng đối diện. Đó là bởi vì bạn nằm trong một cái vòng của không gian-thời gian, và bạn không thoát ra khỏi nó được.
Hình ảnh này có thể giúp chúng ta hiểu được nghiệp quả vận hành như thế nào. Hành tinh trái đất chỉ là phần thấy được của một trường năng lượng rộng lớn, hay trường năng lượng liên tục. Như đã giải thích, trường liên tục này có bốn tầng, tầng ether, lý trí, cảm xúc và vật lý. Bây giờ hãy giả dụ là bạn có một hành động giết người. Hành động này tạo ra một xung lực năng lượng được gửi vào vòng năng lượng mà bạn sống trong đó. Nó sẽ đi qua cả bốn tầng, và tới một lúc nào đó, từ hướng đối diện, nó sẽ trở về điểm khởi đầu là thế giới vật chất.
Khi năng lượng nghiệp quả trở lại, nó có thể tạo ra một số sự việc trong đời sống bạn, như tai nạn, bệnh tật hay bị giết. Nếu bạn không tin vào nghiệp quả thì khó mà giải thích tại sao các sự việc này xảy ra. Nếu bạn theo đạo Ki-tô, bạn có thể nói là Thượng đế trừng phạt bạn vì tội tổ tông, nhưng đại đa số người tâm linh thì không toại nguyện với lời giải thích như vậy. Nếu bạn là người theo chủ nghĩa duy vật, bạn chỉ có thể nói rằng đây là chuyện ngẫu nhiên. Trong cả hai trường hợp, bạn yên tâm vì bạn làm được gì đây để né tránh các sự việc này? Nhưng khi bạn chấp nhận là có nghiệp quả, bạn có thêm sức mạnh, vì bây giờ thì bạn có thể làm được một số điều để né tránh những sự việc này.
Một khi bạn hiểu rằng nghệp quả là một xung lực năng lượng mà trong một kiếp trước bạn đã phóng ra vòng vũ trụ, bạn thấy được rằng bạn có thể làm một cái gì đó để hóa giải nó trước khi nó đi một vòng và quay trở về với bạn và tạo ra sự việc khó chịu trong cuộc đời bạn. Bạn làm được gì đây? Bạn có thể dùng khả năng đồng sáng tạo mà Thượng đế đã ban cho bạn để hóa giải năng lượng có tần số thấp.
Khoa học dạy rằng năng lượng là một dạng rung động di chuyển như một làn sóng. Lấy ví dụ một làn sóng thần. Nó là một làn sóng di động trên đại dương. Nếu bạn tạo ra được một làn sóng khác đi ngược lại, hai làn sóng sẽ gặp nhau và hóa giải lẫn nhau. Khi hai làn sóng gặp nhau chúng tạo ra một hiện tượng mà các nhà khoa học gọi là một dạng giao thoa. Và nếu bạn chọn một làn sóng tương ưng ngược lại với rung động của làn sóng kia, kết quả giao thoa có thể là sự yên bình hoàn toàn, có nghĩa là một làn sóng đã hóa giải được làn sóng kia.
Đây là căn bản cho ý niệm dùng các bài tập tâm linh để cân bằng nghiệp quả. Các bài tập này tạo ra được một dòng sóng năng lượng có tần số cao mà bạn gửi vào bốn tầng của vũ trụ. Khi nó đi ra ngoài, nó gặp dòng sóng đang đi ngược trở về của nghiệp quả từ một kiếp trước. Nếu bạn đã gởi ra đủ năng lượng có tần số cao, dòng sóng năng lượng nghiệp quả đang quay ngược trở về bạn có thể bị hóa giải trước khi nó có thể tạo ra một sự việc trên cõi vật lý. Bạn có thể hóa giải dòng nhiệp quả đang quay về ở các cõi bản sắc, lý trí và cảm xúc trước khi nó xuống tới cõi vật lý.
Nghiệp quả là một xung lực năng lượng, mà bạn có thể hóa giải được trước khi nó đi vòng và trở về với bạn, trước khi nó tạo ra những sự việc khó chịu trong cuộc đời bạn.
Lẽ dĩ nhiên, chúng ta thấy giáo lý này tuyệt vời quá. Bây giờ chúng ta chỉ cần làm mấy bài thực tập tâm linh – ví dụ như kêu gọi ngọn lửa tím – vậy là chúng ta thoát ra khỏi các nghiệp xấu từ quá khứ. Rồi sau đó, chúng ta sẽ được sống vui vẻ thoải mái, phải thế không ạ? Thưa các bạn đừng vội phóng nhanh như thế.
14.2 Tâm nghiệp
Các chân sư dạy rằng tuy nghiệp quả có một phần vật lý, có nghĩa nó là một xung lực năng lượng được gởi ra ngoài vũ trụ, ý nghĩa của nghiệp quả nhiều hơn là vậy. Nghiệp cũng có phần tâm và chúng ta không thể nào giải thoát khỏi nghiệp nếu không giải quyết phần tâm. Lý do là mình không thoát được tác động nếu mình không thay đổi nguyên nhân. Vậy thì cái gì sanh ra cái xung lực nghiệp quả được gửi ra trong một kiếp trước? Đó chính là trạng thái tâm thức của mình trong kiếp đó. Như vậy câu hỏi thật sự về nghiệp quả là: “Tôi đã vượt được lên trên cái trạng thái tâm thức đã khiến tôi gửi ra xung lực nghiệp chưa?”
Như vậy nghiệp là gì? Bên phương Tây nhiều người tâm linh chấp nhận có nghiệp quả, nhưng vì đạo Ki-tô nói về tội lỗi, chúng ta có khuynh hướng xem nghiệp quả xấu là một hình thức bị trừng phạt. Các chân sư có cái nhìn rất khác về nghiệp quả, vì các thày biết rằng chẳng có ai trên cõi tâm linh có ý muốn trừng phạt con người. Các chân sư biết rằng Thượng đế không có nhu cầu trừng phạt loài người vì Thượng đế đã ban cho con người quyền tự quyết.
Thượng đế không có ý kiến gì về cách bạn hành xử quyền tự quyết của bạn, vì giản dị là Thượng đế chỉ muốn bạn học hỏi, và Thượng đế cũng biết rằng vũ trụ này được thiết kế để thế nào bạn cũng học được từ cách bạn dùng quyền tự quyết của mình. Chuyện này xảy ra như thế nào? Nó xảy ra qua việc Ánh sáng Mẫu-Vật sẽ mang vào hình tướng tương ưng với hình tư tưởng được phóng chiếu lên nó. Như vậy, bạn sẽ kinh nghiệm kết quả của những chọn lựa của mình.
Thế giới này được thành lập để cho chúng ta một môi trường giúp chúng ta mở rộng khả năng tự nhận biết. Chúng ta tiến bộ khi chúng ta dùng khả năng đồng sáng tạo của mình.Chúng ta dùng khả năng này bằng cách tạo ra một hình tư tưởng, rồi cho nó sức mạnh của cảm xúc và gửi nó ra ngoài vũ trụ hay là phóng chiếu nó lên trên ánh sáng Mẫu-Vật. Nếu chúng ta làm vậy mà kết quả chẳng có gì khác biệt thì làm sao chúng ta học hỏi được? Chúng ta học được vì ánh sáng Mẫu-Vật sẽ biểu hiện những hình tư tưởng của chúng ta thành những sự việc trong đời sống chúng ta hay những thể dạng vật lý. Nói cách khác, nghiệp quả không phải là hình phạt. Nghiệp quả là một cơ hội học hỏi.
Bạn tạo nên một hình tư tưởng dựa trên nội dung trong tâm bản sắc và lý trí của mình. Bạn tẩm ướp nó với năng lượng từ tâm cảm xúc của mình, rồi bạn phóng nó ra ngoài, như là một hành động hay một dạng xung lực tâm thuần túy. Khi ánh sáng Mẫu-Vật gửi ngược trở lại cho bạn những hoàn cảnh sống phản ánh lại cái gì bạn đã gửi ra ngoài, bạn có cơ hội để nghiền ngẫm và lượng định. Nếu cái quay trở về không dễ chịu thì giản dị lắm, bạn chỉ việc thay đổi cái bạn gửi ra ngoài. Và lúc đó, tấm gương vũ trụ sẽ đương nhiên phản ánh lại cho bạn những hoàn cảnh sống biểu hiện cái hình tư tưởng mới mà bạn gửi cho tấm gương.
Bây giờ thì bạn đã hiểu tại sao Thượng đế hay các chân sư thăng hoa không cần phải phán xét hay trừng phạt bạn? Tự bạn phạt mình bằng cách cứ tiếp tục gửi ra ngoài những hình tư tưởng đem lại hoàn cảnh sống khó chịu. Tuy vậy các chân sư không lên án bạn về chuyện này. Các thày sẽ mãi mãi sẵn sàng đợi để giúp bạn tạo ra hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn. Điểm gút mắc ở đây là các thày không giúp được bạn cho tới khi nào bạn bước qua một lằn ranh tâm thức, khi tâm bạn cởi mở đủ để ít nhất chấp nhận là bạn phải thay đổi cái gì bạn phóng từ tâm mình ra ngoài thì mới thay đổi được cái gì quay trở về với bạn. Các thày không bảo vệ bạn tránh hậu quả của hành động của bạn; các thày sẽ giúp bạn thay đổi hành động mình và lẽ dĩ nhiên hậu quả sẽ thay đổi theo.
14.3 Leo ra khỏi hố nghiệp quả
Lẽ dĩ nhiên vấn đề là bạn đã tạo nghiệp xấu trong nhiều kiếp và bạn không thể nào chờ đợi là bạn sẽ có thể giải nghiệp trong năm phút. Hơn nữa, làm sao bạn có sức thay đổi tâm của bạn trong khi bạn bị đè bẹp bới những hoàn cảnh sống đang dồn dập đổ lên bạn từ những nhân mà bạn đã gây ra trong quá khứ? Làm sao bạn có tâm trí để nghĩ tới chuyện tiến bộ tâm linh khi bạn đang rơi xuống cái hố nghiệp và đang vật lộn với những hoàn cảnh sống đầy hỗn loạn?
Các thày thấu hiểu điều này. Đó là lý do tại sao thày Saint Germain đã xin được đặc miễn để truyền xuống hiểu biết về ngọn lửa tím. Thày suy luận rằng nếu con người đang phải oằn lưng ra gánh nghiệp của mình thì còn đâu tâm trí để chú ý đến việc chuyển hóa tâm thức mình, cái tâm thức đã khiến họ cứ tiếp tục tạo thêm nghiệp mới hoài hoài.
Saint Germain thấy có nhiều người bị rơi vào vòng xoáy nghiệp và kẹt trong đó không nó lối ra. Trong các kiếp trước, họ đã phóng ra ngoài xung lực nghiệp và kiếp này chúng trở ngược về với họ. Nghiệp quả trở về này tạo ra những sự việc trong cuộc sống họ, nhưng buồn thay họ lại phản ứng lại với chính cái tâm thức cũ mà đã gây ra nghiệp quả đó. Giả dụ người kia đã giết người trong một kiếp trước. Trong kiếp này, nghiệp quả quay trở về qua sự việc họ bị đe dọa sẽ bị giết. Người này phản ứng lại bằng cách chống chọi lại những người đe dọa giết mình. Và như thế, cái vòng xoáy nghiệp quả lại tiếp tục vận hành.
Saint Germain suy luận rằng nếu con người được vơi bớt vòng nghiệp quả quay trở về này, họ sẽ có được đủ tâm trí để chú ý tới việc quán sát và thay đổi tâm thức của mình. Lẽ dĩ nhiên, đâu có gì bảo đảm là họ sẽ dùng cơ hội vơi bớt nghiệp này để quán tâm, vì họ cũng có thể quyết định vui hưởng thời gian tự do mới tìm lại được này. Đây là lý do tại sao Saint Germain đã xin hội đồng vũ trụ đặc miễn cho phép thày truyền xuống hiểu biết về ngọn lửa tím. Nghiệp quả cũng có khía cạnh nội tại vì mình có thể tạo ra nghiệp quả đối với chính mình.
14.4 Nguyên nhân gây nghiệp
Chỉ có một cách duy nhất có thể làm cho bạn giết người là bạn bị ảo tưởng tách biệt làm bạn mù quáng, khiến cho bạn tin rằng bạn tách biệt với người kia và người kia tách biệt khỏi bạn. Và như vậy bạn thấy rằng bạn có thể giết người đó mà chính bạn thì không bị ảnh hưởng gì.
Nhưng trước khi bạn có thể tin điều này, bạn phải chấp nhận một hình ảnh nào đó về mình. Một khi bạn đã nhìn qua tấm phin lọc nhận thức của cái ngã tách biệt, bạn sẽ dùng nó để luôn luôn phóng chiếu lên bản thân hình ảnh tương ứng. Như thế bạn phóng chiếu không ngừng bạn là một người tách biệt và như vậy cũng đồng nghĩa là bạn đơn độc, đã bị Thượng đế bỏ rơi, có quyền năng hạn chế và bạn cũng là nạn nhân của hoàn cảnh bên ngoài. Bạn cảm thấy rằng lúc nào cũng có cái gì ở “ngoài kia” đang kiểm soát đời bạn.
Bây giờ thì chúng ta hiểu ra rằng nghiệp quả được gây ra bởi những người nhìn cuộc đời qua phin lọc nhận thức cho rằng mình là một người tách biệt. Qua cái ngã tách biệt này, bạn tạo ra một số hình tư tưởng, và bạn chuyển chúng thành những xung lực năng lượng qua sức mạnh tâm của bạn. Một số xung lực này được gửi ra ngoài đến người hay đến thế giới. Một số lại được gửi về bên trong và phóng chiếu lên chính bạn. Nó trở thành nghiệp quả nội tại, nghiệp quả ở lại trong tâm bạn.
Một khi bạn hiểu được điều này, việc dùng một kỹ thuật tâm linh để hóa giải nghiệp đang quay trở về chỉ là một giai đoạn trên con đường tu hướng đến tự do tâm linh. Muốn thực sự tự do, giải thoát khỏi nghiệp quả đang quay trở về vẫn không đủ. Bạn cần phải giải thoát bạn khỏi chính cái phin lọc nhận thức đã tạo ra xung lực nghiệp từ lúc đầu. Nếu bạn không vượt thăng lên trên cái ngã tách biệt, bạn sẽ cứ tiếp tục tạo ra nghiệp mới và không cách chi bạn có thể vượt thoát vòng sinh tử.
Nó giống như người đang trả nợ mà cứ tiêu sài tiền nhiều hơn số tiền mình kiếm được. Nếu tiền ra nhiều hơn tiền vô thì bao giờ bạn mới trả xong nợ? Bạn chỉ thật sự cân bằng được nghiệp quả khi bạn ngừng tạo nghiệp. Bạn chỉ đạt được điều này khi bạn giải thoát mình khỏi ảo tưởng mình là người tách biệt, tách ra khỏi nguồn gốc của mình.
14.5 Không thể cân bằng nghiệp quả một cách máy móc tự động
Bạn hãy nhớ chân lý vi tế này mà ít người hiểu được. Con đường thật sự dẫn tới tự do tâm linh là phải vượt thăng lên trên ảo tưởng tách biệt. Chấp nhận giáo lý tâm linh và thực tập một kỹ thuật tâm linh không giúp bạn đạt được điều này một cách tự động đâu. Đây là một tiến trình mà bạn phải đi qua bằng cách mở rộng sự nhận biết của bạn và lấy những quyết định ý thức. Đến đây thì chúng ta có thể phác họa ra ba giai đoạn trên con đường tâm linh:
- Mức thấp nhất là mình cải tạo hành động vì mình sợ những nghiệp quả xảy ra cho mình nếu mình có hành động nào đó. Đây là trình độ của Cựu Ước kinh: “Con không được làm điều này” và “con mắt trả cho con mắt”.
- Mức kế tiếp là lúc bạn nhận ra rằng không những bạn phải kềm mình không được hành động tiêu cực mà bạn phải trở nên một người tốt hơn. Đây là trình độ của Tân Ước kinh, thường được gọi là Thời đại Song ngư. Vấn đề là nó có thể dẫn tới ngõ cụt khi bạn cho rằng tất cả những gì bạn cần làm là trở nên một người tốt dựa theo tiêu chuẩn do một tôn giáo hay pháp tâm linh vỏ ngoài ấn định. Ví dụ như bạn cho rằng chỉ cần làm việc tốt, việc thiện là hóa giải được nghiệp quả xấu.
- Mức kế tiếp là mức của thời đại Bảo bình sắp tới. Bạn nhận ra là bạn cần thay đổi tâm thức bạn một cách cơ bản và vứt bỏ ảo tưởng tách biệt. Bạn bắt đầu nhận biết là vấn đề thật sự chính là cái ngã tách biệt. Ảo tưởng mình là cái ngã tách biệt là nguyên nhân khiến bạn tạo ra nghiệp xấu, như khi bạn giết người. Nhiều người tâm linh đã tìm cách bù đắp bằng cách biến cái ngã tách biệt thành một nhân vật tâm linh không bao giờ có hành động xấu. Nhưng thực chất là bạn đang dùng cái ngã tách biệt để bù đắp cho những hành động xấu mà cái ngã tách biệt đã làm trong quá khứ. Và điều này sẽ không thành công được. Cái ngã tách biệt không thể nào thăng thiên được.
Muốn thực sự tự do, chuyện giải thoát bạn khỏi nghiệp quả đang quay trở về vẫn không đủ. Bạn cần phải giải thoát bạn khỏi chính cái phin lọc nhận thức đã tạo ra xung lực nghiệp quả từ lúc đầu.
Như vậy việc cần làm ở đây không phải là làm cho cái ngã tách biệt có dáng vẻ tốt đúng theo tiêu chuẩn của một giáo lý vỏ ngoài. Việc cần làm là vượt thăng lên khỏi cái ngã tách biệt, cho nó chết đi, để cho cái Ta thật trở về với cái biết thuần tịnh mà nó là khi nó xuống cõi trần. Chỉ khi sống với cái biết thuần tịnh này bạn mới không tạo ra nghiệp quả – tốt hay xấu.
Khi bạn bắt đầu hiểu những ý này, bạn có thể hiểu cao hơn về nghiệp quả. Nghiệp quả là bất cứ xung lực nào mà bạn phóng chiếu ra từ cái ngã tách biệt. Không cần biết là xung lực đó tốt hay xấu dựa theo một tiêu chuẩn ngoài đời. Thực ra, ngay cả ý niệm tốt và xấu là sản phẩm của cái ngã tách biệt và cách suy nghĩ nhị nguyên của nó. Có một mức trên con đường tu tâm linh mà bạn cần tin rằng bạn phải tránh nghiệp xấu và tạo nghiệp tốt để được cứu rỗi. Nhưng mức kế tiếp thì bạn nhận ra rằng ngay cả nghiệp tốt cũng cản không cho bạn thăng thiên, đặc biệt là khi bạn cảm thấy mình tốt hơn người khác vì bạn tạo nghiệp tốt.
Tất cả mọi thứ đến từ cái ngã tách biệt đều tạo ra nghiệp. Tuy thế, khi bạn vượt thăng lên trên cái ngã tách biệt, hành động của bạn không tạo ra nghiệp – tốt hay xấu. Và đây là tự do tâm linh. Bây giờ thì bạn đã thấy cái nhìn cao về nghiệp quả. Trong các kiếp trước bạn đã tạo những xung lực nghiệp, và rốt cuộc thì chúng cũng sẽ quay ngược trở về bạn. Bạn có thể dùng các kỹ thuật tâm linh để tiêu trừ các xung lực nghiệp quả này trước khi nó thể hiện thành những sự việc vật lý.
Nhưng bạn cũng cần giải thoát tâm bạn khỏi những ảo tưởng sinh ra từ tâm thức tách biệt. Các ảo tưởng này là những mảnh kính màu trong ống kính vạn hoa của tâm bạn. Nếu chúng vẫn còn nằm trong đó, ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ sẽ bị pha màu. Như vậy có nghĩa là bạn cứ tiếp tục phóng ra ngoài xung lực năng lượng đã bị pha màu bởi nội dung của bốn tầng tâm của bạn.
Nói cách khác, bạn sẽ tiếp tục tạo nghiệp cho tới ngày nào bốn tầng tâm của bạn sạch trong không có ảo tưởng nữa. Con đường tu của các chân sư giúp cho bạn vượt lên trên mọi nghiệp quá khứ và hiện tại. Con đường này giải thoát bạn khỏi các vòng xoáy nghiệp quả của chính bạn, và như thế chúng không tiếp tục tự duy trì nữa.
14.6 Nghiệp quả và bảy tia ánh sáng
Như đã thấy ở trên, ta tạo nghiệp khi ta phóng ra một xung lực năng lượng, nhưng ta không tạo ra xung lực này. Ta không có khả năng tạo năng lượng, nhưng điều ta làm được là biến chế năng lượng mà ta nhận được từ Hiện diện TA LÀ của ta, là năng lượng đến từ các chân sư đã thăng thiên ở cõi cao. Năng lượng này tới ta dưới dạng bảy tia sáng tâm linh.
Mỗi tia sáng có một dạng năng lượng hay rung động riêng. Nhưng nó cũng có đặc tính khác, tỷ dụ như uy lực, minh triết, hay tình thương. Tạo nghiệp có hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là ta lấy năng lượng của một trong bảy tia sáng và hạ độ rung của nó xuống dưới một mức đáng kể. Nhưng ta làm sao hạ độ rung của năng lượng? Ta làm điều này bằng cách tạo một hình tư tưởng, giống như là một khúc phim trong tâm mình. Khi năng lượng thuần khiết chiếu xuyên qua khúc phim đó thì nó bị nhuộm màu và do đó độ rung bị giảm đi.
Bạn làm cách nào để tạo ra khúc phim? Bạn làm việc này khi chấp nhận một số ảo tưởng, và những niềm tin này là sự tha hóa của đặc tính thuần khiết của một một trong bảy tia sáng. Tỷ dụ, một đặc tính của tia sáng thứ nhất là uy lực. Đây là uy lực sáng tạo thuần khiết nhằm nâng mọi sự sống lên. Nhưng khi ta quan sát đời sống trên trái đất thì ta thấy là nhiều người đã tha hóa uy lực thuần khiết này. Có người dùng quyền lực để tiêu diệt hoặc điều khiển sự sống khác. Hoặc họ dùng quyền lực để nâng họ lên và dìm người khác xuống.
Như vậy, ta tạo nghiệp khi chấp nhận một số ảo tưởng, được tạo ra khi ta tha hóa đặc tính của bảy tia sáng. Như thế có nghĩa là nếu muốn cân bằng nghiệp được tạo trong quá khứ, và ngừng tạo thêm nghiệp mới, ta cần vượt qua các ảo tưởng này, để nhận ra và ứng dụng những đặc tính thuần khiết của bảy tia sáng.
14.7 Sứ vụ Thiêng liêng của bạn
Mục tiêu tối hậu của con đường tâm linh mà các chân sư thăng thiên cống hiến là giúp ta hội đủ điều kiện để thăng thiên, có nghĩa là ta không còn đầu thai trở lại trên địa cầu. Một trong những yêu cầu của sự thăng thiên là ta cân bằng nghiệp. Tuy nhiên, bạn cần nhận ra rằng khi Hiện diện TA LÀ của bạn quyết định gửi cái Ta-Ý-Thức đầu thai vào cõi vật chất này, thì nó có một mục đích tích cực. Bạn không chỉ tới đây để tạo nghiệp, cân bằng nghiệp rồi bỏ đi. Bạn tới đây để đem lại ánh sáng tâm linh của mình như một món quà tặng, việc này sẽ giúp nâng trái đất và cả vũ trụ vật chất lên. Do đó, bạn thực sự chỉ muốn thăng thiên khi mục đích này được thành tựu.
Các chân sư dạy rằng mỗi chúng ta có nhiều chân sư thăng thiên làm phận sự tư vấn riêng cho mình. Trước khi chúng ta đầu thai, chúng ta gặp các vị tư vấn này để hoạch định một kế hoạch rõ ràng cho kiếp đầu thai sắp tới. Kế hoạch này được gọi là Sứ Vụ Thiêng Liêng của bạn. Kế hoạch này rất rõ ràng, nó phác họa nơi bạn sinh ra, ai là cha mẹ bạn, ai là con của bạn, bạn sẽ cưới ai và cộng sự với ai, bạn sẽ theo học môn gì và theo đuổi sinh hoạt tâm linh nào.
Sứ vụ Thiêng liêng dĩ nhiên chỉ là một phác thảo, và nó rất tùy thuộc quyền tự quyết của ta. Nó cũng dựa trên thực tế là ta sẽ quên nó và do đó sẽ cần khám phá nó trở lại. Tuy nhiên, nhiều người tâm linh có trực giác mục đích cuộc sống này của mình là gì, có một số chuyện mình cần làm, có một số người mình cần gặp, và một số bài học mình cần học. Chúng ta càng gia tăng khả năng trực giác (bằng cách thông sạch bốn từng của tâm mình) thì chúng ta càng nhận rõ hơn Sứ vụ Thiêng liêng của mình.
Điều quan trọng mà ta cần biết là mỗi người có một Sứ vụ Thiêng liêng riêng. Do đó, một người tâm linh không nên khuyên người khác phải sống cuộc đời của họ ra sao, vì như vậy không hữu dụng. Bạn thực sự không thể dùng trí vỏ ngoài để biết được Sứ vụ Thiêng liêng của người khác. Lý do là không ai có thể cho ta biết Sư vụ Thiêng liêng của ta – bạn thực sự phải khám phá ra từ bên trong. Đó cũng là một lý do tại sao Giê-su dạy ta đừng nên phán xét qua bề ngoài. Đôi lúc ta có cảm tưởng là người khác đang làm một số việc không phải, nhưng nhiều khi đó là vì họ có trực giác việc này thuộc Sứ vụ Thiêng liêng của họ, và do đó người ngoài nhìn các việc này ra sao không quan trọng. Chúng ta hãy xem xét một vài thí dụ.
Sứ vụ Thiêng liêng vạch ra chủ điểm của toàn kiếp sống này, và nó tùy thuộc vị trí của riêng bạn trên con đường dẫn tới thăng thiên. Đây là một vài trường hợp tiêu biểu:
- Có người còn quá nhiều nghiệp quả nên thực tế là họ không hội đủ điều kiện để thăng thiên trong kiếp này. Do đó chủ điểm của họ có thể là cân bằng nghiệp, có nghĩa là họ không cần tham dự vào sinh hoạt và giáo lý tâm linh. Điều quan trọng hơn với họ có thể là gặp những người mà họ có duyên nghiệp. Thoạt trông, những người này có thể không giống người tâm linh, cũng có thể họ hay xung đột với người khác, nhưng họ đang làm thật đúng những gì họ cần làm theo Sứ vụ Thiêng liêng của họ.
- Có người có thể gần đủ điều kiện để thăng thiên, tuy nhiên họ cần cân bằng rất nhiều nghiệp. Do đó, chủ điểm của họ là cân băng nghiệp càng nhanh càng tốt. Họ có khuynh hướng thích học giáo lý và kỹ thuật tâm linh, và họ hay cảm thấy có gì thúc đẩy họ thực hành kỹ thuật tâm linh một cách rất miên mật. Điều tốt nhất cho những người này có thể là rút lui khỏi xã hội và sống ẩn tu, ít ra là trong một thời gian. Nhưng cũng có khi những người cần cân bằng nghiệp sống cuộc đời thoạt trông rất hỗn loạn. Họ có thể có nhiều phối ngẫu, hay thay đổi việc hay ngành làm việc, hay thay đổi nơi sống, có khi sống ở nhiều nước. Điều họ đang làm là gặp tối đa các liên hệ nghiệp quả của họ.
- Có người có thể gần đủ điều kiện để thăng thiên, nhưng để hoàn thành việc này, việc chính mà họ cần làm không phải là cân bằng nghiệp mà là biểu lộ tài năng độc đáo của họ. Với những người này, rút lui khỏi xã hội không phải là nếp sống hữu dụng nhất. Họ cần liên hệ với người khác và xã hội để có thể biểu lộ ánh sáng và tài năng. Một số người trong nhóm này cũng có thể sẽ tìm đến tâm linh nhưng cũng có nhiều người không tham gia các phong trào tâm linh. Tuy thế họ đang làm rất đúng những gì họ cần làm để cống hiến tài năng của họ cho xã hội.
- Có người chưa sẵn sàng để thăng thiên, nhưng trên con đường tâm linh họ đã sẵn sàng đi xa hơn tôn giáo truyền thống. Do đó chủ điểm của những người này là học giáo lý để thêm hiểu biết về tâm linh.
- Có người có thể đã gần thăng thiên, nhưng khả năng thăng thiên ở cuối kiếp sống này tùy thuộc vào kết quả giải quyết những vướng mắc tâm lý. Do đó, chủ điểm của họ không phải là học giáo lý mà là giải quyết tâm lý. Họ có thể học giáo lý và kỹ thuật thực hành, nhưng cũng có thể tham gia vào các phương pháp trị liệu. Chính họ cũng có thể trở thành nhà trị liệu hay người chữa lành, vì giúp chữa lành người khác là một cách để tự chữa lành cho mình. Những người này tìm cách giải quyết từng lớp vỏ tâm lý của họ, cho tới khi họ khám phá ra ảo tưởng tối hậu ở đáy tự ngã tách biệt của họ. Lúc đó, họ sẽ trải nghiệm một chuyển hóa lớn, và sau đó thì họ được giải thoát và có thể chú tâm vào việc cống hiến tài năng của mình.
Trên đây chỉ là một vài trường hợp trong rất nhiều trường hợp có thể xảy ra, nhưng chúng cho thấy là ta không thể phán xét người khác, và cũng không nên phán xét chính mình. Nhiều người tâm linh có tiềm năng tiến triển nhiều trong kiếp sống này, nhưng ai cũng cần qua nhiều giai đoạn. Tỷ dụ, nhiều người ở đầu đời thì dính dấp đến các tình huống do nghiệp đưa đến. Sau một thời gian họ mới tìm được con đường tâm linh, và ban đầu điều tốt nhất cho họ là xếp mọi chuyện qua một bên và chú tâm học hỏi giáo lý và kỹ thuật thực hành. Nói cách khác, điều tốt nhất cho họ là tạm thời rút lui khỏi xã hội.
Nhưng sau khi bạn đã cân bằng một phần nghiệp và giải quyết một số điều kiện tâm lý, thì điều tốt nhất là bạn nên đi ra ngoài xã hội. Lúc đó bạn đã sẵn sàng biểu lộ tài năng của mình để cống hiến, và bạn không thể làm chuyện này nếu bạn tiếp tục rút lui khỏi xã hội.
Nhiều người tâm linh đã quyết định giải quyết nghiệp và các vết thương tâm lý càng nhanh càng tốt. Đó là lý do tại sao chúng ta hay có đời sống khác thường và có vẻ hỗn loạn. Chúng ta nhiều khi không thể giải thích một cách hợp lý tại sao chúng ta lại có hành động mà thân nhân coi là điên rồ. Lý do sâu là chúng ta cần làm những việc này để cân bằng nghiệp hoặc để khiến mình phải trực diện một số vướng mắc tâm lý.
Khi bạn theo con đường mà các chân sư thăng thiên cống hiến thì bạn có thể mau chóng cân băng nghiệp, học bài học và giải quyết tâm lý. Nghĩa là sẽ có lúc bạn nhìn lại cuộc đời mình và nhận ra rằng bạn đã làm thật đúng những gì cần làm để hoàn thành Sứ vụ Thiêng Liêng của mình. Lúc đó bạn sẵn sàng tiến lên một mức sẽ đem đến cho bạn nhiều thỏa mãn và vui sướng.
Kết luận là Sứ vụ Thiêng liêng giống như một dòng sông. Nó không bao giờ đứng yên, và nếu bạn muốn hoàn thành tiềm năng cao nhất của mình, thì bạn phải sẵn sàng trôi theo dòng sông luân lưu chảy cho tới biển cả của cái ta.
14.8 Thăng thiên: mục đích tối hậu
Như đã nói ở trên, thăng thiên là mục đích tối hậu của con người trên con đường tâm linh. Tuy nhiên để hội đủ điều kiện thăng thiên, chúng ta cần đáp ứng một số yêu cầu. Thứ nhất là nghiệp. Các chân sư có nói rằng, trong những thời đại trước, con người cần cân bằng 100% nghiệp mới có thể thăng thiên. Tuy nhiên, một đặc miễn đã được ban ra, và nay chúng ta có thể thăng thiên khi cân bằng hơn 51% nghiệp. Có một số lý do tại sao đặc miễn này được ban ra.
Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta cần biết rằng trái đất hiện đang ở lúc giao thoa giữa hai giai đoạn hay thời đại tâm linh. Như đã nói ở trên, 2000 năm vừa qua là Thời Đại Song Ngư và giai đoạn 2000 sắp tới được gọi là Thời Đại Bảo Bình. Các thời đại này có liên hệ đến chu kỳ thay đổi tiết xuân phân và thu phân, nhưng lằn ranh chính xác phân chia các thời đại không thể chỉ do sự vận hành của các tinh tú chỉ định. Đó là vì mọi chuyện trên trái đất đều tùy thuộc quyền tự quyết, do đó nhân loại chỉ chuyển qua môt thời đại mới khi có đủ số người đã chuyển hóa tâm thức của mình sang một tư duy mới, và do đó khiến tâm thức đại chúng chuyển hóa lên một mức cao hơn.
Một lý do vì sao đặc miễn cho phép thăng thiên dễ hơn được ban ra là để giúp chuyển hóa tâm thức đại chúng lên một mức cao hơn. Khi một người đủ điều kiện thăng thiên, thì việc này tạo một từ lực kéo cả tâm thức đại chúng lên. Giê-su có nói đến việc này như sau: “Và nếu ta được kéo lên khỏi trái đất, thì ta sẽ kéo theo nhiều người với ta”.
Một lý do khác là ở giai đoạn cuối của một thời đại, có một số người đáng lý đã phải thăng thiên trong thời đại trước. Nhưng nếu các vị này chưa cân bằng 100% nghiệp, thì đặc miễn cho phép thăng thiên khi cân bằng hơn 51% nghiệp dĩ nhiên là đường thực tiễn duy nhất giúp họ có thể thăng thiên. Như đã nói ở trên, tốt nhất cho những người này là họ chú tâm vào mục tiêu và làm mọi việc cần thiết để đạt mục tiêu cân bằng hơn 51% nghiệp của họ.
Nhưng không có nghĩa là mọi người tâm linh đều phải chú tâm làm việc này. Có người chưa tới lúc thăng thiên, hoặc họ cần cân bằng 100% nghiệp trước khi thăng thiên. Các chân sư dạy rằng tuy ta có thể thăng thiên khi cân bằng hơn 51% nghiệp, ta vẫn phải cân bằng tất cả nghiệp. Và cân bằng nghiệp ở cõi tâm linh khó hơn là cân bằng nghiệp ở trần gian. Cũng có thể là bạn cần chú tâm vào một số yêu cầu thăng thiên khác, thay vì chỉ nghĩ tới việc cân bằng nghiệp.
Như đã nói ở trên, bạn không xuống đây để tạo nghiệp, cân bằng nghiệp rồi thăng thiên. Bạn đến đây để học hỏi và để biểu lộ và cống hiến các tài năng thiêng liêng của mình. Do đó, trừ phi bạn đã thực sự đến lúc thăng thiên trong giai đoạn chuyển tiếp từ Song Ngư sang Bảo Bình này, thì bạn sẽ không muốn thăng thiên cho tới khi bạn đã học xong những gì cần học và cống hiến món quà mà bạn đem đến đây.
Bạn không thể nào thăng thiên nếu bạn muốn bỏ chạy khỏi tất cả mọi thứ trên trái đất.
Sư kiện đơn giản khác là mặc dù bạn có thể liệt kê một số yêu cầu vỏ ngoài của thăng thiên – tỷ dụ như cân bằng nghiệp và cống hiến quà tặng – nhưng cũng có yêu cầu bên trong. Ta hãy hình dung bạn đã hoàn thành tất cả các yêu cầu vỏ ngoài và đang đứng trước ngưỡng cửa dẫn tới thế giới thăng thiên. Nếu bạn có thể bước qua ngưỡng cửa là bạn thăng thiên, nhưng trước khi bước qua ngưỡng cửa, bạn phải lấy một quyết định. Và một phần quyết định đó là bạn phải muốn rời bỏ trái đất – và tất cả những gì và những ai trên trái đất – một cách vĩnh viễn.
Vậy câu hỏi là: bạn đã sẵn sàng rời bỏ trái đất vĩnh viễn hay chưa, hay là còn có cái gì đó mà bạn còn muốn làm hay trải nghiệm trên trái đất này? Một lần nữa, không có ai muốn và có thể buộc bạn phải thăng thiên. Đó là quyết định của bạn, và bạn chỉ có thể lấy quyết định này khi bạn đã chán tất cả những gì đời sống trên trái đất này có thể cống hiến bạn.
Không có nghĩa thăng thiên là một hình thức bỏ chạy. Bạn không thể thăng thiên nếu bạn muốn bỏ chạy khỏi tất cả mọi thứ trên trái đất. Do đó, bạn phải tới điểm mà tâm bạn đã làm hòa với cuộc đời trên hành tinh này. Bạn không bỏ chạy cái gì hết, bạn mở tay chào đón sự sống một cách tích cực. Tuy thế, bạn cũng cảm thấy là bạn đã trải nghiệm tất cả những gì bạn muốn trải nghiệm, và do đó bạn thực sự sẵn sàng để tiến lên một mức cao hơn.
Kết luận là mục đích thực sự của con đường tâm linh là đưa tới điểm đó, là điểm bạn làm hòa với đời sống trên trái đất, làm hòa với ước muốn trải nghiệm hay hoàn tất việc gì trên hành tinh này. Bạn không còn muốn trải nghiệm gì nữa hết, và bạn không muốn thay đổi gì nữa hết. Bạn nhìn lại quá trình sống trên trái đất này mà tâm hoàn toàn an bình, bạn rời bỏ nó với đầy tình thương, và mở tay chào đón một đời sống cao hơn với cùng tình thương đó. Do đó, an bình nội tâm có thể coi là mục đích chân thật của con đường mà các chân sư thăng thiên cống hiến.
HẾT CHƯƠNG