Bài giảng của chân sư thăng thiên More qua trung gian Kim Michaels, ngày 4/2/2013.
TA LÀ Chân sư MORE. Thày muốn cho con một lớp hiểu biết khác về khả năng suy luận cao. Như các thày đã nói, trái đất ở tình trạng thấp hơn kịch bản lý tưởng rất nhiều. Do đó, khi con tới con Đường Bảy bức Màn và ghi danh với thày là Thượng sư thứ nhất, con không tới với tâm trong trắng; con mang theo mình một quá trình.
Con đã tích lũy quá trình này khi con sống trên trái đất, là một môi trường rất ô nhiễm. Trái đất bị ô nhiễm không phải chỉ do những gì nhân loại đã đồng sáng tạo trong suốt mấy ngàn năm, mà chính yếu là do quan điểm và giáo lý của các sinh thể mà ta có thể gọi là thày giả. Họ đã được phép đầu thai trên hành tinh này từ rất lâu rồi, và do đó đã ảnh hưởng tất cả mọi khía cạnh của đời sống trên trái đất. Không có khía cạnh nào của đời sống trên trái đất không bị ảnh hưởng bởi tư duy các thày giả đó, mà các thày cũng đã gọi là sa nhân. Tư duy này là tâm thức nhị nguyên, được đại diện một cách ẩn dụ bởi con rắn trong Vườn Địa đàng.
9.1. Lời dối trá mình có thể trở thành một thượng đế
Còn câu chuyện truyền thuyết, con rắn nói với E-và là nếu cô ăn trái cấm thì cô sẽ không “chắc chắn chết” nhưng sẽ trở thành như một thượng đế “biết tốt và xấu”. Như các thày có giảng chi tiết trước đây, cách giải thích câu chuyện ẩn dụ này giản dị là: Khi con trở thành một thượng đế, con nghĩ con có khả năng quy định cái gì tốt cái gì xấu. Nói cách khác, bản chất của tâm thức rắn là nó tạo ra một tiêu chuẩn giả về tốt và xấu, sau đó nó nói nếu con sống theo tiêu chuẩn vỏ ngoài này – tìm cách tránh xấu làm tốt – con được bảo đảm lên thiên đàng.
Khi đệ tử tới khóa nhập thất của thày ở Darjeeling, họ không nhiều thì ít mang tư duy sa ngã này. Ho đều đã chấp nhận một tiêu chuẩn nào đó, và họ nghĩ có thể tới khóa nhập thất của thày và áp đặt tiêu chuẩn của mình lên thày.
Các con yêu dấu, có những đệ tử tới khóa nhập thất của thày trong thể cao của họ mà vẫn dính mắc vào tiêu chuẩn của mình và nhất định áp đặt tiêu chuẩn này lên thày. Khi họ thấy thày không chịu tuân theo tiêu chuẩn thì họ suy luận ngay thày là một thày giả hay thày tu không đủ cao để dạy họ, và do đó họ giận dữ bỏ đi.
Các vị đó nghĩ họ từ bỏ thày là hoàn toàn chính đáng, tuy rằng họ từ bỏ thày dựa trên một ảo tưởng, trong khi thày thực sự là thật vì thày đã thăng vượt tư duy sa ngã. Tư duy này đã giam các đệ tử đó đến độ họ không nhận ra là thày cho họ một khung tham chiếu vượt lên trên tư duy sa ngã. Họ còn không nhận ra rằng họ cần vươn ra ngoài hộp tư duy đóng kín của tâm họ. Họ không thấy được giá trị của một vị thày có thể cống hiến một khung tham chiếu vượt lên trên tư duy sa ngã. Vì họ chỉ muốn tìm một vị thày công nhận tiêu chuẩn dựa trên tâm thức rắn.
9.2. Sử dụng khả năng lý luận
Các con có thấy chăng là thày không thể giúp các đệ tử đó? Đó là lý do vì sao điều đầu tiên mà thày muốn giảng trong bài này là nếu con muốn trở thành người mà chân sư thăng thiên có thể dạy được, thì con phải sẵn sàng dùng khả năng lý luận của mình ở bất kỳ tầng tâm thức nào. Con cần dùng khả năng lý luận để nhận ra một điều giản dị: là mức nhận biết hiện nay của con tạo thành cái hộp chung quanh tâm con, một hộp tư duy. Cách duy nhất để vượt quá tầng tâm thức hiện nay và lên tầng kế tiếp là con với tới cái gì bên ngoài hộp tư duy hiện nay của mình. Bất kỳ ai đã vươn lên tầng tâm thức cao hơn trong quá khứ đều đã dùng cách này. Bất kỳ ai có thể vươn lên tầng tâm thức cao hơn trong tương lai sẽ phải dùng cách này. Không ai có thể gian lận được.
Con có nhận ra rằng đây là một bài học của khoa học về các luật thiên nhiên? Không ai có thể gian lận luật trọng lực. Nếu con đứng trên một tòa nhà cao hay một vách đá cao và bước ra ngoài thì con sẽ rơi xuống. Con cần bước ra ngoài một tòa nhà cao bao nhiêu lần để chấp nhận là trọng lực sẽ biến con thành một vết đỏ trên sàn đất dưới kia? Con cần phải trải qua bao nhiêu kiếp bị giam trong một hộp tư duy để nhận ra rằng con đường giả đưa tới cứu rỗi mà các thày giả hứa hẹn sẽ không tự động đưa con lên thiên đàng sau kiếp này?
Điều thày muốn nói là: bất kể con đang ở tầng tâm thức nào, con có khả năng lý luận để nhận ra là nó tạo thành một hệ thống đóng kín – một hộp tư duy đóng kín – và cách duy nhất để vươn lên tầng kế tiếp là tìm một vị thày có thể cho con một cái gì bên ngoài hộp tư duy, ngoài tầng tâm thức hiện tại của con. Lúc đó, nếu con nắm lấy sợi dây cứu sống đó, con có thể dùng nó để kéo mình lên tầng trên của đường tâm linh.
Con có thấy chăng, khi con đang ở dưới tầng tâm thức 48, thì tầng tâm thức hiện nay của con giống như cát lún, và con càng vùng vẫy thì càng lún nhanh hơn. Chỉ có một cách thoát là ngừng vùng vẫy và để tâm lắng yên xuống, nhờ vậy con có thể thấy có người đang cho con một sợi dây. Khi con nắm sợi dây này, con có điểm neo vững chắc giúp con tự kéo mình lên.
Thày muốn con dùng khả năng lý luận để nhận ra thày là một vị thày thật. Thày đang cho con một sợi dây. Nhưng nếu con cho phép mình dính mắc vào một tiêu chuẩn giả hay một giáo lý giả khiến con không chấp nhận thày hay một số khía cạnh giáo lý của thày, thì dĩ nhiên là thày không giúp con được. Thày sẽ phải giản dị tôn trọng Luật Tự quyết, là điều thày sẵn sàng làm với tất cả lòng yêu thương, và để con buông sợi dây và do đó rơi trở lại vào cát lún của tầng tâm thức hiện nay của con.
Tuy nhiên, thày có tình thương vô điều kiện – vì thày đã thăng vượt tất cả điều kiện. Do đó, dù con chối bỏ thày, thày vẫn sẽ luôn luôn có mặt khi con muốn trở lại và xin thày giúp. Vậy, cho những ai chịu dùng khả năng lý luận của mình để nhận ra là Chân sư MORE đang cho họ một cái gì vượt lên trên hộp tư duy của họ, chúng ta hãy xem làm sao tận dụng những gì thày cống hiến.
9.3. Phản ứng cao và phản ứng thấp
Để bắt đầu, con hãy nhận ra rằng khi con nhận lời hướng dẫn từ một vị thày tâm linh, trong con sẽ có hai phản ứng. Con có thể tự hỏi tại sao như vậy, nhưng nếu con dùng lý luận thì con sẽ nhận ra rằng cho tới khi con thăng thiên, trong con luôn luôn có một sự phân chia. Vì có một yếu tố nào đó – mà ta có thể gọi là tự ngã hay tâm thức con người – giữ con hiện thân trên trái đất.
Như thày đã giảng, trái đất là một hành tinh rất dày đặc. Có rất nhiều hành tinh trong vũ trụ ở tầng tâm thức cao hơn trái đất. Con yêu dấu, trái đất là một hành tinh rất dày đặc. Có nghĩa là ngày nào con còn hiện thân ở đây, phải có một yếu tố nào đó của tâm thức con người giữ con trong thân thể vật lý này.
Nếu con buông bỏ tất cả trong một khoảnh khắc, con sẽ giản dị không giữ nổi chú tâm vào thân thể nữa, và do đó con sẽ thăng thiên và bỏ lại tấm thân. Điều thày muốn nói là: bất kể tầng tâm thức của con, khi con nhận lời hướng dẫn từ tầng tâm thức kế tiếp, trong con sẽ luôn luôn có hai phản ứng. Một là phản ứng cao, khao khát cái gì hơn nữa, cao hơn tầng tâm thức hiện nay. Thứ hai là phản ứng thấp, muốn chối bỏ cái cao hơn để biện minh tại sao nên bám víu vào tầng tâm thức hiện nay, cách nhìn cuộc đời hiện nay, cách nhìn con đường tâm linh hiện nay.
Bất kể tầng tâm thức của con, con chỉ cần giản dị dùng khả năng lý luận mà con sẵn có để nhận ra điều này. Như thày có nói nhiều lần, con có thể học cách hòa điệu với trái tim của con, nhưng con cũng có thể hòa điệu với khía cạnh khác của con người con, kể cả các luân xa khác. Lúc đó, con học cách phân biện phản ứng nâng con lên và phản ứng chống lại lời hướng dẫn của thày. Có một phản ứng muốn nhập một với vị thày, và có phản ứng muốn chối bỏ, tránh xa và lẩn trốn vị thày. Phản ứng này sẽ muốn biện minh tại sao con tiếp tục tránh xa vị thày thay vì chấp nhận lời hướng dẫn và dùng nó để thăng vượt tầng tâm thức hiện nay của con.
9.4. Phản ứng chối bỏ vị thày
Chúng ta hãy xem xét phản ứng chối bỏ vị thày và lời hướng dẫn của thày. Phản ứng này dựa vào đâu? Nó luôn luôn dựa trên một tiêu chuẩn mà con đã chấp nhận với tâm vỏ ngoài, và tiêu chuẩn này luôn luôn – con yêu dấu, luôn luôn – do tâm rắn thiết kế.
Thày đang cố ý khiến con bị chấn động vì thày muốn con có cơ hội cảm thấy hai phản ứng trong con khi nghe lời khẳng định này. Bất kể tiêu chuẩn nào con đã chấp nhận trên trái đất, tiêu chuẩn này luôn luôn dựa trên hay bị ảnh hưởng bởi tâm rắn.
Thày biết rằng khi các đệ tử lần đầu tới khóa nhập thất của thày, họ khó chấp nhận được điều này. Thày đã rất nhiều lần thấy đệ tử đến với một tiêu chuẩn mà họ tin có giá trị và có thẩm quyền tối hậu – và họ chờ đợi thày tuân theo tiêu chuẩn này hay xác nhận nó có giá trị. Nhưng con có thấy chăng, nếu tiêu chuẩn của con có thể đưa con lên thiên đàng, thì con đâu cần thày hướng dẫn, phải không con?
Do đó, thày biết rằng, vì con đã tới khóa nhập thất của thày, con chưa sẵn sàng để lên thiên đàng. Sự kiện con tới khóa nhập thất của thày cho thấy tiêu chuẩn của con sẽ không đưa con lên thiên đàng được. Do đó, thày không thể giúp con vươn lên tầng tâm thức cao hơn bằng cách xác nhận hay tuân theo tiêu chuẩn của con. Thày phải chất vấn tiêu chuẩn của con nếu thày muốn giúp con.
Con có thấy điều này chăng? Một lần nữa, con chỉ cần sử dụng khá năng lý luận của con. Không một vị thày nào có thể giúp con vươn lên tầng cao hơn bằng cách xác nhận tiêu chuẩn mà con có ở tầng tâm thức hiện nay của con. Chuyện thật giản dị như vậy.
9.5. Một tiêu chuẩn tôn giáo hay tâm linh
Thày muốn nói rõ là đa số đệ tử tới khóa nhập thất của thày đã tham gia vào một phong trào hay tổ chức tôn giáo hay tâm linh. Đa số đã dùng phong trào và giáo lý để xây dựng một tiêu chuẩn và dùng nó để đánh giá hành động và nỗ lực sáng tạo của mình. Trong quá khứ, các thày đã truyền giáo lý qua một số sứ giả và đã công khai giới thiệu mình là chân sư thăng thiên. Có lúc, các thày đã quy định một số luật lệ cấm hay cho phép đệ tử làm một số điều. Trong một số trường hợp, các thày đã quy định nhiều luật lệ đến độ không thể nào áp dụng hết được. Mục đích các thày rất giản dị: nếu con người không chịu nghe lời hướng dẫn nội tâm, nếu họ không chịu buông bỏ dính mắc vào tiêu chuẩn vỏ ngoài, thì làm sao các thày giúp họ được?
Các con có thấy chăng một kết quả điển hình của tiêu chuẩn vỏ ngoài là con muốn có quy luật cho mọi thứ. Con muốn có một quy luật và khi con tuân theo quy luật, con là người tốt và Thượng đế phải nhận con vào thiên đàng. Những ai không tuân theo quy luật sẽ bị kết án khổ hình vĩnh viễn trong địa ngục. Đây là một lập luận nhị phân đơn giản. Có hay không. Tốt hay xấu. Bật hoặc tắt. Và đây là tâm nhị nguyên. Các thày phải làm gì, khi có đệ tử muốn có luật lệ để họ nghĩ rằng, nếu họ tuân theo hết các quy luật trên trái đất, thì họ sẽ tự động hội đủ điều kiện để thăng thiên? Các thày có thể làm gì để giúp người đệ tử vượt lên trên tư duy đó? Các thày có thể giảng về đề tài này, nhưng nếu đệ tử không chịu nghe thì các thày phải làm gì? Chọn lựa duy nhất của các thày là tạo ra nhiều luật lệ đến độ khi người đệ tử muốn thỏa mãn ước muốn có luật lệ thì họ không thể kham nổi. Và nếu họ cố gắng tuân theo tất cả các quy luật, thì họ trở nên tê liệt và không còn nhúc nhích được nữa. Họ thu mình vào một cái hộp quá nhỏ, và đột nhiên nhận ra cái hộp chật hẹp quá, và cái gì đó trong con người họ hét lên xin được thoát khỏi luật lệ.
9.6. Vì sao tự ngã không thể cho con tự do
Các con hãy cho thày giảng một điều bất ngờ. Cái gì trong con hét lên muốn có tự do? Trên trái đất mọi người đồng ý thế nào là người có tự ngã lớn. Con thấy nhiều người có tự ngã lớn làm bất cứ điều gì họ muốn mà không cần biết đến hậu quả trên người khác. Con thấy các nhà độc tài trong lịch sử có quyền lực tuyệt đối. Họ có thể làm bất cứ gì họ muốn, họ có thể giết bất cứ ai cản trở hay chống đối họ – và họ thực sự đã giết hàng triệu người. Con nhìn các chuyện này và có thể nghĩ là họ có quyền tự do, nhưng đây không phải là tự do. Thày sẽ giảng điều này rõ hơn.
Tự ngã không thể cho con tự do. Nếu con nhìn vào tâm lý của các nhà độc tài đó, con sẽ thấy là tuy họ có vẻ có tự do hành động – vì họ có thể làm bất cứ điều gì mà không bị trừng phạt – nhưng họ không thực sự có tự do. Tâm họ không có tự do vì bị đóng khung bởi những quy luật mà họ tạo ra và dùng để phán xét người khác. Con có thể nói là tự ngã muốn làm bất cứ gì nó muốn mà không bị trừng phạt, nhưng tự ngã không thật sự khao khát tự do, vì nó không biết tự do là gì. Và nó sẽ không bao giờ biết được.
Con có thấy chăng, định nghĩa tự do của tự ngã không phải là vượt lên trên quy luật. Tự ngã tìm cách cho mình tự do bằng cách quy định một bộ luật có tiêu chuẩn hai hàng. Một tiêu chuẩn áp dụng cho người khác và tiêu chuẩn kia áp dụng cho tôi, như vậy tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn mà không bị trừng phạt nhưng người khác thì không được làm vậy; người khác phải chấp nhận là tôi có quyền làm bất cứ gì tôi muốn.
Con có thấy chăng, một lần nữa, con chỉ cần dùng lý luận để thấy rằng tự ngã có thể có tự do làm gì nó muốn, nhưng tâm nó không có tự do? Vì trong tâm có bộ luật với tiêu chuẩn hai hàng, và con phải tuân theo tiêu chuẩn này để được tự do do tiêu chuẩn quy định. Do đó, tuy tự ngã đã quy định được một tiêu chuẩn cho nó quyền làm dường như bất cứ gì nó muốn, nó vẫn bị mắc kẹt trong tiêu chuẩn. Sẽ có một lúc con cảm thấy bị giam cầm trong chính tiêu chuẩn của mình.
Con có thể thấy điều này trong tâm lý của những người có vẻ đã đạt được quyền lực tuyệt đối trên trái đất. Họ tới chỗ nhận ra họ thực sự bị giam trong hệ thống mà họ đã tạo ra. Vì họ không thể tự cho phép đi ngược lại tiêu chuẩn đã cho họ quyền lực tuyệt đối. Họ không thể cho phép mình biểu lộ nhược điểm, hay nhân tính. Họ phải sống đúng theo hình ảnh lãnh tụ tuyệt đối mà họ đã tạo ra. Và sẽ có lúc họ thức tỉnh và nhận ra họ đã tạo ra một cái lồng bằng vàng cho chính họ, và cái lồng dường như càng ngày càng thu hẹp, và họ không thể nhúc nhích được nữa.
9.7. Cái gì trong con khao khát tự do?
Cái gì trong con thật sự khao khát tự do? Đó là cái mà các thày gọi là cái Ta Biết vì nó là một nối dài của Hiện diện TA LÀ của con. Nó là Tánh linh (Spirit), và Tánh linh luôn luôn cảm thấy bị giam hãm khi nó phải quy thuận vật chất. Không thể có cách nào khác. Vì sao vậy? Vì Tánh linh có tự do sáng tạo.
Tự do sáng tạo không phải là tự do làm bất cứ gì con muốn dựa trên một bộ luật được quy định trong thế giới hình tướng. Con có thấy chăng là quy luật được định ra bởi một cái gì có hình tướng, và một khi con chấp nhận chúng là quy luật, con không thể thay đổi hình tướng đó? Hình tướng bị giam trong một khuôn đúc, và khi con còn tin vào quy luật thì con không thể thăng vượt nó. Nhưng Tánh linh không được tạo ra để bị giam trong hình tướng. Tánh linh được tạo ra để sáng tạo hình tướng, và nó luôn luôn tạo hình tướng hơn những gì nó sáng tạo trước đó, bằng cách học hỏi từ những sáng tạo này.
Con có thấy chăng là sự sáng tạo – động lực sáng tạo của Tánh linh – tạo ra hình tướng nhưng nó không bị giam lâu trong hình tướng, mà dùng kinh nghiệm sáng tạo hình tướng đó để tạo ra một hình tướng hơn trước đó? Khi con theo tiến trình này – sáng tạo, học hỏi và sau đó sáng tạo cái hơn nữa – con tăng trưởng sự tự nhận biết của mình. Đây là mục đích sự sống. Đây là cách sự sống tiến bộ: qua tiến trình sáng tạo.
Các thày giả đã khiến con người tin rằng họ phải giết động lực sáng tạo của họ. Khi con tìm cách tuân theo quy luật thì con ngừng sáng tạo. Con không thể nào sáng tạo bằng cách tuân theo quy luật được quy định dựa trên hình tướng vì như vậy con không thể thăng vượt hình tướng. Và làm sao con sáng tạo được nếu con không thăng vượt hình tướng đang hiện hữu? Điều này không thể xảy ra. Đó không phải là sáng tạo
Các thày giả đã tạo ra một tiêu chuẩn giả – một niềm tin giả – cho rằng nếu con muốn lên thiên đàng thì con phải tuân theo một bộ luật được quy định bởi một thẩm quyền tối hậu, chẳng hạn như vị thượng đế giận dữ ở trên trời, mà ba tôn giáo đơn thần đã tôn vinh từ mấy ngàn năm nay. Khoa học duy vật cũng đề cao một hình ảnh tương tự khi chủ trương có những quy luật thiên nhiên bất biến.
Đúng thực là có quy luật thiên nhiên. Đấng Sáng tạo đã sử dụng một số nguyên tắc sáng tạo. Nhưng con có thể học cách sử dụng những nguyên tắc này một cách càng ngày càng sáng tạo hơn để nâng cao toàn thể. Đây là sáng tạo, trong khi định nghĩa quy luật thiên nhiên và quy luật Thượng đế như một chiếc áo khóa tay giam chặt sự sáng tạo, thì không phải là sáng tạo. Đây là tâm thức chết mà Giê-su đã nói tới. Nó không phải là tâm thức Sống, tâm thức Ki-tô tìm cách nâng cao mọi sự sống.
9.8. Sử dụng quy luật thiên nhiên một cách sáng tạo
Làm sao con nâng cao mọi sự sống? Con hãy nhìn vấn đề với lý luận đường thẳng. Ta hãy lấy thí dụ vấn đề nghèo đói trên trái đất. Nếu con dùng lý luận đường thẳng, phiến diện thì con có thể nói có nghèo đói vì thiếu tiền. Do đó, nếu có thêm tiền thì mọi người sẽ có đủ tiền để mua những gì họ cần. Nhưng làm sao gia tăng số lượng tiền tệ? Con có thể làm chuyện này một cách giả tạo, như một số quốc gia và cơ quan đã định làm. Nhưng hậu quả không tránh được là cái được gọi là lạm phát, và giá trị đồng tiền sẽ giảm đi. Do đó, tuy con có thêm tiền, nhưng con không thể mua thêm hàng hóa với tiền đó.
Đâu là cách đúng để giải quyết nạn nghèo đói? Giải pháp đúng là gia tăng sự dồi dào trên trái đất. Nhưng dồi dào không phải là tiền. Sự dồi dào không có được bằng cách in thêm tiền. Sự dồi dào có được nhờ óc sáng tạo, nhờ đó con học cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên và quy luật thiên nhiên tốt hơn.
Ở đầu bài thày có đề cập tới quy luật trọng lực và nói rằng nếu con từ trên một tòa nhà cao bước ra ngoài khoảng không thì con sẽ rơi xuống đất. Và điều này đúng. Con thấy là trong mấy ngàn năm, con người nghĩ rằng bay như chim là điều không tưởng. Nhưng con cũng thấy là con người đã học cách sử dụng quy luật thiên nhiên để vô hiệu hóa trọng lực, và do đó con có thể dùng máy bay để bay trong không khí. Và con thấy là phát minh sáng tạo này – cách sử dụng quy luật thiên nhiên một cách sáng tạo – đã mở ra cả một nên công nghệ tạo nên sự giàu có, sự dồi dào.
Thành quả trên được thành hình nhờ áp dụng quy luật thiên nhiên một cách sáng tạo, chứ không phải bằng cách mù quáng tuân theo luật lệ. Vì nếu không ai dám nghĩ một cách sáng tạo thì con người sẽ vẫn chỉ đi bộ dưới đất, và thèm thuồng ngẩng nhìn chim bay, nghĩ rằng bay trên trời là một giấc mơ ngoài tầm với.
9.9. Tách sáng tạo khỏi kết quả vật lý
Con yêu dấu, khi đệ tử lần đầu tới khóa nhập thất của thày, thì thách đố lớn nhất của thày là đưa họ tới chỗ chấp nhận để thày dẫn họ vượt lên trên tiêu chuẩn hiện nay của họ. Vì con có thấy chăng là tiêu chuẩn mà con đã chấp nhận trên trái đất này chỉ có một mục đích duy nhất, đó là giới hạn sự sáng tạo của con để con không dùng sự sáng tạo của mình để vươn lên tầng tâm thức cao hơn?
Con yêu dấu, điều quan trọng không phải là con dùng khả năng sáng tạo để tạo ra kết quả nào đó trên trái đất. Các thày là chân sư thăng thiên quả thật có ý muốn giúp con người dùng óc sáng tạo để nâng xã hội lên cao hơn, như các thày đã từng làm qua khoa học kỹ thuật và một số cách khác. Nhưng quan tâm chính của các thày, như thày đã có nói, không phải là kết quả vỏ ngoài. Quan tâm chính của các thày là con học cách sử dụng khả năng sáng tạo để vươn lên tầng tâm thức kế tiếp. Các thày không có mục đích thay đổi chuyện vỏ ngoài. Các thày muốn con thay đổi ý niệm bản ngã vì chỉ khi nào con thay đổi ý niệm bản ngã, con mới từ tầng tâm thức 49 vươn lên tầng 50 được.
Con có thấy điều này chăng? Con không cần tạo ra kết quả vỏ ngoài nào cả để vươn lên tầng cao hơn. Nhưng con có cần thay đổi ý niệm bản ngã của mình. Con không thể làm điều này bằng cách tuân theo quy luật của tiêu chuẩn hiện nay của con, vì tiêu chuẩn này sẽ giữ ý niệm bản ngã của con ở cùng tầng tâm thức. Do đó, cách duy nhất để tái tạo ý niệm bản ngã của con là sử dụng khả năng sáng tạo của mình.
Khi đệ tử lần đầu tới khóa nhập thất của thày, công việc đầu của thày là khiến họ bỏ qua một bên tiêu chuẩn của họ – những quy luật của họ – để nối kết lại với khả năng sáng tạo của mình. Thày có thể bảo đảm với con là không ai trên trái đất hoàn toàn nối kết với khả năng sáng tạo của mình. Và chắc chắn là không có một đệ tử nào tới khóa nhập thất của thày mà nhận biết hoàn toàn khả năng sáng tạo của mình. Do đó, công việc của thày là giúp đệ tử bắt đầu nối kết với khả năng sáng tạo của họ để hiểu rằng có cái gì cao hơn tầng tâm thức hiện nay của họ, và họ có tiềm năng vươn lên tầng này. Không phải do thày làm thay họ, nhưng bằng cách họ dùng khả năng sẵn có trong họ, khả năng sáng tạo của chính họ.
Con có thấy chăng là có nhiều người tâm linh hay ngoan đạo đã chấp nhận một tiêu chuẩn cho rằng họ cần một vị thày hay một vị cứu tinh bên ngoài làm điều gì đó giúp họ? Do đó, họ đã tới khóa nhập thất của thày, và nghĩ rằng thày, Chân sư MORE, sẽ cho họ một liều thần dược hay một công thức thần diệu giúp họ đột nhiên lên tầng tâm thức cao hơn.
9.10. Chôn khả năng xuống đất
Có một điểm vi tế mà con có thể nhận ra bằng cách dùng khả năng lý luận của con. Vì quả thực là con cần một cái gì bên ngoài tầng tâm thức hiện nay của con. Con cần sợi dây treo từ trên xuống mà con có thể nắm và kéo mình ra khỏi bãi cát lún. Do đó, đúng là con cần một vị thày ở tầng tâm thức cao hơn con, có thể cho con một khung tham chiếu cao hơn tầng tâm thức hiện nay của con. Nhưng điều này không có nghĩa là vị thày sẽ làm công việc hộ con. Vị thày sẽ cho con điều con cần, nhưng con phải thể nhập nó. Như Giê-su có giảng trong bài ẩn dụ, con phải tăng trưởng các đồng tiền mà con nhận được thay vì chôn nó xuống đất.
Chôn đồng tiền xuống đất có nghĩa gì? Nó có nghĩa lấy giáo lý mà thày dạy con rồi ép nó phải thuận theo tiêu chuẩn hiện nay của con, những quy luật hiện nay của con. Qua đó, con sẽ biến giáo lý của thày thành một quy luật khác, nghĩ rằng nếu con làm điều này và tránh làm điều kia, thì chắc chắn con sẽ lên tầng cao hơn.
Nhưng con có thấy chăng, thày không dạy con giáo lý để con biến nó thành một quy luật. Thày dạy con giáo lý để chất vấn một quy luật nào đó và giải thoát khả năng sáng tạo của con. Con sẽ không lên thiên đường bằng cách tuân theo quy luật – đây là một hiểu lầm tai hại của đa số tôn giáo cũng như là một số giáo lý tâm linh. Con chỉ lên được thiên đường bằng cách đồng-sáng tạo một ý niệm bản ngã cao hơn và bỏ đi hồn ma cuối cùng của tự ngã đang trói buộc con vào thân thể vật lý.
9.11. Phương trình tình thương và sợ hãi
Con hãy để thày cho con một cách nhìn khác. Ở phần trên thày có nói tới các nhà độc tài có quyền lực tuyệt đối và trên mặt hành động, có thể làm bất cứ gì họ muốn. Nhưng nếu con theo lời dạy của Giê-su: “Hãy làm cho người khác những gì con muốn họ làm cho mình”, thì ý nghĩa sâu của lời giảng này là gì? Ý nghĩa sâu của nguyên tắc này là gì? Ý nghĩa giản dị là: những gì con làm cho người khác, con đã làm cho chính mình trong tâm thức mình.
Làm sao con có thể ép buộc một người khác? Con chỉ có thể ép buộc người khác khi con đã ép buộc mình phải tuân theo một tiêu chuẩn trong tâm mình. Do đó, con có thấy chăng là một nhà độc tài không thể nô lệ hóa người khác mà không tự nô lệ hóa mình. Y có thể không bị nô lệ trên mặt vật lý, như những người dân, nhưng y bị nô lệ một cách dũng mãnh hơn nhiều, vì y bị nô lệ trong ba tầng cao của tâm. Y bị nô lệ trong cảm xúc, tư tưởng, và ý niệm bản ngã.
Thày có thể nói với con là nô lệ tinh thần mãnh liệt hơn nô lệ thể xác. Vì khi con bị nô lệ thể xác, con biết con đang bị nô lệ và con ao ước được tự do. Nhưng khi tâm con bị nô lệ, con bị tiêu chuẩn làm mù quáng đến độ không biết có một cách sống khác, bên ngoài tiêu chuẩn. Do đó con không ao ước tự do một cách ý thức, tuy rằng có một phần của con ao ước tự do. Cuối cùng thì con có thể hòa điệu với phần này của con, và nhận ra rằng con là Tánh linh đang bị giam trong tâm phàm. Sau đó, con có thể hòa điệu với Tánh linh.
Thày sẽ cho con một tiêu chuẩn giản dị. Thày có nói về việc hòa điệu với trái tim và nhận ra là một chuyện gì đó nâng năng lượng lên hay hạ năng lượng xuống. Nay thày thêm một khía cạnh nữa. Năng lượng lên hay xuống thực sự có nghĩa gì? Cái nâng năng lượng là tình thương, cái hạ năng lượng là sợ hãi.
Do đó, con có một thước đo giản dị để đánh giá mọi chuyện trong cuộc đời. Con hãy nhìn lại chính mình và xem con nhìn đời như thế nào; con cảm thấy gì trước một số hoàn cảnh trong cuộc đời. Con hãy nhận ra bất kỳ điều kiện nào hạn chế con đều có một nguyên nhân. Con quen nghĩ rằng điều kiện bên ngoài là nguyên nhân và cảm nhận bên trong là hậu quả. Nhưng, như các thày đã cố giảng nhiều lần, sự thực ngược lại. Chính cảm nhận bên trong là nguyên nhân nguyên thủy và điều kiện bên ngoài chỉ giản dị là hình ảnh phóng chiếu của cái gì xảy ra trong tâm thức.
Điều khó khăn là con không có ý thức những gì xảy ra ở các tầng xúc cảm, lý trí và bản sắc của tâm, vì vậy con không thấy được là tâm thái nơi ba tầng cao của tâm đã tạo ra hoàn cảnh bên ngoài. Do đó, con không thấy rằng khi con phản ứng lại hoàn cảnh bên ngoài, con đang phản ứng lại cái gì con đã tạo ra. Cái tiêu chuẩn – và thày dùng chữ “tiêu chuẩn” để làm con giật mình, vì nay thày muốn con phận biệt tiêu chuẩn thấp, vỏ ngoài, và cây gậy chỉ đường cao, tuyệt đối – mà thày muốn con chấp nhận là bất kỳ cái gì hạn chế con đều do con tạo ra khi con sử dụng khả năng sáng tạo qua sự sợ hãi.
Con thực sự có nhiều cách biểu lộ khả năng sáng tạo. Nhưng ngoài các hình thức biểu lộ cá biệt, thì đặc tính chung là: con đang biểu lộ khả năng sáng tạo với thái độ thương yêu hay với thái độ sợ hãi? Con có thấy chăng, khi con nhìn vào hình thức cá biệt thì có thể kết quả bên ngoài không khác nhau mấy. Tỷ dụ, con có thể nhìn hai người vẽ tranh và không thấy khác biệt trong cách họ vẽ, nhưng một người đang vẽ trong trạng thái sợ hãi trong khi người kia thì vẽ trong trạng thái thương yêu. Tất cả mọi sinh hoạt trên trái đất đều như thế.
Khi con bắt đầu hòa điệu với đề tài này thì con sẽ thấy là có nhiều sinh hoạt trên trái đất bắt nguồn từ sợ hãi. Và con có thể phân biện điều này bằng cách tự hỏi: “Chuyện này nâng năng lượng của tôi lên hay hạ năng lượng xuống?” Khi con nhìn một sinh hoạt trên trái đất thì con biết, con cảm nhận, là nó đang hạ năng lượng của con xuống. Sau đó, con có thể lý luận là sinh hoạt đó dựa trên sợ hãi.
9.12. Sáng tạo vượt lên trên sợ hãi
Đây là bước tới mà con cần thấy. Sợ hãi là bạn đồng hành không thể tránh của việc áp dụng một tiêu chuẩn khi con dùng khả năng sáng tạo của mình. Ngay lúc con chấp nhận tiêu chuẩn, với cái nhìn nhị nguyên, con lượng định xem mình đang tuân thủ hay vi phạm tiêu chuẩn. Tác dụng chung là tạo nơi con nỗi sợ không thể tránh, sợ vi phạm tiêu chuẩn và sợ những hậu quả nghiêm trọng quy định bởi tiêu chuẩn. Vì tiêu chuẩn không chỉ nói: “Làm điều này, đừng làm điều kia.” Tiêu chuẩn luôn luôn có hai mặt: phần thưởng khi tuân theo nó và hình phạt khi vi phạm nó.
Con yêu dấu, con có thấy chăng? Trong kịch bản lý tưởng, khi một dòng sống mới xuống đầu thai, thì không có tiêu chuẩn nhị nguyên. Dòng sống được quyền tự do tuyệt đối làm gì nó muốn, sau đó nó được sự hướng dẫn và tình thương của một chân sư thăng thiên giúp nó thấy hậu quả của hành động, nỗ lực sáng tạo, của nó. Sau đó nó đánh giá những hậu quả này và nói: “Tôi không muốn cái này, tôi muốn cái kia nhiều hơn.” Và nó điều chỉnh cách nó sử dụng khả năng sáng tạo. Trong tiến trình này không có sợ hãi. Làm sao lại có sợ hãi khi mình biết mình có thể thăng vượt bất kỳ quyết định nào trước đó của mình? Con hãy nghe câu này một lần nữa: “Làm sao lại có sợ hãi khi mình biết mình có thể thăng vượt bất kỳ quyết định nào trước đó của mình và thay bằng một quyết định tốt hơn?
Đây là chuyện xảy ra trong Trường Bí giáo. Đây là chuyện xảy ra khi con đi theo con Đường Bảy Tia sáng mà không có tiêu chuẩn giả của các thày giả. Con có thể đi từ tầng 48 lên tầng 96 mà không sợ hãi. Dĩ nhiên là chúng ta không có kịch bản lý tưởng trên trái đất, do đó con có sợ hãi và con phải đối phó với tiêu chuẩn.
Đó là lý do vì sao, khi đệ tử tới khóa nhập thất của thày, điều đầu tiên thày phải làm là giúp họ chất vấn tiêu chuẩn của họ. Thày phải giúp họ đứng ra ngoài tiêu chuẩn của họ, nhìn nó từ bên ngoài, và nhận ra rằng mặc dù tiêu chuẩn này cho tự ngã họ một số điều thuận lợi – bằng cách khiến tự ngã cảm thấy được an toàn – họ cảm thấy bị giam cầm trong tiêu chuẩn đó. Cái Ta Biết của họ, Tánh linh, cảm thấy bị giam cầm trong tiêu chuẩn đó.
Đó là lúc con bắt đầu thấy là nếu con có thể bỏ lại đằng sau tầng tự ngã đó, con có thể vươn lên một tầng tâm thức mới nơi con thoát khỏi tiêu chuẩn cũ của con. Con có thể vẫn còn một tiêu chuẩn nào đó, nhưng ít ra, con thoát khỏi một số hạn chế đã giam cầm mình.
9.13. Tiêu chuẩn giả nhị nguyên
Con có thấy chăng là tiêu chuẩn của tâm thức nhị nguyên, tâm thức rắn, áp đặt lời dối trá tinh vi là con bị giới hạn – bị giam hãm – bởi các lựa chọn quá khứ của mình. Việc tạo ra một tiêu chuẩn ngụ ý rằng một số chọn lựa của con đã sai lầm theo nghĩa tối hậu. Các chọn lựa này vi phạm tiêu chuẩn, do đó chính việc con dùng quyền tự quyết một cách sáng tạo đã khiến con vi phạm tiêu chuẩn.
Đây là lời dối trá do rắn áp đặt. Do đó, lời hứa ngầm là nếu con ngưng dùng quyền tự quyết của mình một cách sáng tạo – và thay vào đó giam quyền tự quyết vào một tiêu chuẩn vỏ ngoài – thì con sẽ được bảo đảm lên thiên đàng. Vì Thượng đế phải chấp nhận con khi con sống theo tiêu chuẩn do rắn quy định trên trái đất.
Đây là lời dối trá tiềm ẩn đằng sau con đường giả. Họ nói: Bạn sai lầm – bạn đã phạm một lỗi lầm – khi bạn dùng khả năng sáng tạo của mình. Do đó, cách duy nhất tránh xuống địa ngục là ngừng sáng tạo và làm theo quy luật sẽ đưa bạn lên thiên đàng. Nhưng con yêu dấu, con có thấy đây là lời dối trá chăng?
Con có bắt đầu thoáng thấy chăng là toàn bộ mục đích cuộc đời là để con học cách dùng khả năng sáng tạo của mình để tự thăng vượt liên tục và trở nên hơn nữa? Con có thấy chăng là rắn nói là con không thể tự thăng vượt, con không thể thăng vượt chọn lựa cũ của mình? Do đó, rắn nói rằng con có thể vào thiên đàng bằng cách tuân theo quy luật thay vì thăng vượt ý niệm bản ngã của mình. Rắn nói rằng con có thể kiện toàn ý niệm bản ngã hiện nay của mình bằng cách tuân theo quy luật vỏ ngoài.
Cách duy nhất để vào thiên đàng là thăng vượt ý niệm bản ngã hiện nay của mình, và cách duy nhất để thăng vượt ý niệm bản ngã hiện nay của mình là dùng khả năng sáng tạo để tái tạo một ý niệm bản ngã mới, một ý niệm bản ngã cao hơn. Con làm điều này bằng cách học hỏi từ chọn lựa quá khứ và sau đó chọn lựa tốt hơn. Con không làm điều này bằng cách từ chối chọn lựa, từ chối học hỏi, hay nghĩ rằng con có thể tuân theo một tiêu chuẩn vỏ ngoài. Con có thể dùng lý luận để hiểu ra sự thực này. Thày nói với con một cách cả quyết tuyệt đối. Thày là Chân sư MORE. Thày đã thấy hàng triệu đệ tử tới khóa nhập thất của thày. Và thày biết là con không thể tới khóa nhập thất của thày nếu con không có khả năng lý luận mà thày đề cập. Do đó, con có thể bắt đầu tiến trình thay đổi toàn diện cái nhìn của mình về cuộc đời và nhận ra con không tăng triển – con không lên thiên đàng, con không thăng thiên – bằng sợ hãi, mà chỉ tăng triển bằng tình thương. Vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên của con – nhiệm vụ chính yếu của con – lúc này là giải thoát khả năng sáng tạo của mình để con có thể sử dụng nó trong tình thương thay vì sợ hãi.
9.14. Sáng tạo trong tình thương
Tiêu chuẩn vỏ ngoài đã khiến rất nhiều người sử dụng khả năng sáng tạo của họ trong sợ hãi vì lúc nào họ cũng phản ứng lại tiêu chuẩn. Họ tìm cách né tránh điều gì hoặc bù đắp cho một hành động quá khứ.
Nhưng con không cần bù đắp cho những chọn lựa quá khứ. Con cần học hỏi từ những chọn lựa này và thăng vượt tầng tâm thức lúc ấy. Có gì cần bù đắp đâu trong bãi chơi cát trên trái đất? Con cần thăng vượt ý niệm bản ngã thay vì tiếp tục đồng-sáng tạo qua bản ngã đó. Đây là điều một đệ tử tâm linh cần làm.
Một lần nữa, con hãy dùng khả năng cảm nhận điều gì nâng cao hay hạ thấp năng lượng. Con hãy bắt đầu áp dụng nó vào cách con nhìn cuộc đời và tiêu chuẩn của con. Và con hãy nhận ra là tiêu chuẩn của mình – ít ra là một số khía cạnh của nó mà con có thể thấy – dựa trên sợ hãi. Con hãy bắt đầu xem xét con sợ điều gì. Con hãy tiếp cận nỗi sợ này. Con hãy cảm nhận là chỉ nghĩ về nó thôi cũng đã hạ năng lượng của mình. Sau đó, con hãy nhận ra là bất kỳ điều gì hạ năng lượng đều đến từ sợ hãi, và bất kỳ điều gì đến từ sợ hãi cản trở, giới hạn, giết chết sự sáng tạo.
Thày là Chân sư MORE, thày là Thượng sư của Tia thứ Nhất. Tia này đã được gọi là tia của uy lực và ý chí, nhưng cái mà con thấy trên trái đất là sự lạm dụng quyền lực dựa trên một tiêu chuẩn, một tiêu chuẩn hai hàng có một bộ luật cho nhóm thượng lưu và một bộ luật cho người thường.
Dĩ nhiên là cũng có khái niệm ý muốn của Thượng đế, mà nhiều người cho là cái áo khoá tay. Vì khi con tuân theo ý muốn của Thượng đế, con phải từ bỏ quyền tự quyết của mình. Nhưng con yêu dấu, ý muốn của Thượng đế là con có quyền tự quyết! Quyền này được cho không! Thượng đế cho con quyền tự quyết và ý muốn của Thượng đế là con được tự do dùng nó.
Nhưng thực thi quyền tự quyết có nghĩa giản dị là con nhìn vào kết quả của lựa chọn quá khứ của mình. Và sau đó con đánh giá: Tôi muốn nhiều thêm kết quả này hay tôi muốn điều gì cao hơn kết quả này? Và nếu con muốn điều gì cao hơn, thì con dùng chọn lựa quá khứ của mình để học hỏi cách tái tạo chính mình và đồng-sáng tạo cái hơn nữa. Đây là cách con dần dần nâng cao quyền tự quyết của mình để nó thực sự tự do. Vì con biết bất kể điều gì con đã chọn trước đây, con có thể thăng vượt mức tâm thức đó và chọn cái gì cao hơn. Con không bị ràng buộc bởi chọn lựa quá khứ của mình. Con không bị ràng buộc bởi quy luật. Con không bị ràng buộc bởi một tiêu chuẩn vỏ ngoài trên trái đất.
Thày mong rằng khi con học xong các bài giảng này, con sẽ bắt đầu hiểu quyền tự quyết là gì. Bây giờ thì thày đã cho con đủ và có thể quá những gì con hấp thụ được, do đó thày sẽ niêm bài giảng này cho tới khi thày dạy bài tới. Ngay bây giờ thì con hãy xem xét các nỗi sợ của mình, và nhận ra rằng chìa khóa để tiến bộ trên con đường tâm linh là tránh xa sợ hãi và tiến vào tình thương. Không thể có cách nào khác hơn. Vì phải chăng là Giê-su đã nói là quy luật quan trọng nhất là yêu Thượng đế với tất cả trí óc, trái tim và linh hồn? Và làm sao con có thể yêu Thượng đế nếu con nghĩ đây là một bạo chúa chỉ muốn hạn chế ý chí mà y đã ban cho con?
Con không thể thương yêu một thượng đế mà con sợ. Con chỉ có thể yêu Thượng đế bằng cách thăng vượt và tới chỗ trong tâm thức con chỉ còn tình thương. Vì ông hoàng của thế gian sẽ tới và sẽ không tìm ra nỗi sợ nào trong con khiến y có thể nắm lấy và bắt con phải tuân theo tiêu chuẩn của rắn. Vì con chỉ có tình thương của sự hiểu biết là con có thể thăng vượt mọi chọn lựa quá khứ. Và do đó con có tự do – lúc nào cũng tự do là hơn nữa.