Hỏi: Con xin có một câu hỏi về võ thuật. Việc học võ có chính đáng hay không, nghĩa là không phải để ra tay giết người mà để tự vệ và điều hướng nội khí. Con thắc mắc là khi thày sang phương Đông, thày có học võ thuật hay không. Có lẽ là không, nhưng thày có thể đã gặp các vị sư sử dụng võ thuật như trong phái Thiếu Lâm. Con cũng thắc mắc không hiểu Kung Fu và Tai Chi có phải là những cách chính đáng để sử dụng năng lượng của Thượng đế hay không.
Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung giam Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.
Chắc chắn là có nhiều sự thật và nhiều giá trị trong một vài hình thức võ thuật. Hẳn là đã có nhiều người tìm được đường tu tâm linh phổ quát bằng cách sử dụng võ thuật như một nấc thang để bước vào một con đường vượt khỏi mọi nhãn hiệu lẫn mọi sự chia rẽ vỏ ngoài như nhu cầu tự vệ, làm chủ xác thân vật lý hay ngay cả điều ngự luồng Khí.
Nhưng như mọi lãnh vực khác trên địa cầu, võ thuật cũng có thể bị biến chất. Con thấy được hiện tượng này tại cả phương Đông lẫn phương Tây, đặc biệt là tại phương Tây bởi vì hai lý do. Một là võ thuật đã đặt quá nhiều trọng tâm vào nhu cầu tự vệ. Nếu con tiếp cận võ thuật trong tinh thần sợ hãi thì việc tập tành võ thuật có thể khuếch đại nỗi sợ hãi đó và cuối cùng dẫn đến chứng hoang tưởng.
Thật vậy, một số người đã chuyển dòng khi của họ đi sai hướng và trở nên hoang tưởng, luôn luôn nghĩ rằng có ai đó muốn làm hại mình. Điều này có thể đẩy ý muốn tự vệ của họ đến cực điểm, khiến họ cho rằng việc tập tành để giết chết một đối thủ qua kỹ thuật võ công là một chuyện chính đáng và cần thiết. Kỳ thực, môn võ thuật không bao giờ được lập ra để gây chết người. Các vị sáng lập chỉ có ý giúp người ta tự phòng thủ mà không giết người, và phương thức này đã vô cùng hiệu nghiệm trước khi có người sáng chế ra súng ống là một phương tiện giết người từ xa.
Ta mạnh mẽ khuyên nhủ mọi người nên lánh xa các môn võ thuật chỉ dạy kỹ thuật giết người. Một số thày võ đã chụp lấy lời dạy nguyên thủy của võ thuật rồi biến chế thành một phương thức cực đoan. Những người thày như vậy thường bị thúc đẩy bởi sợ hãi, và học trò thì khó lòng nào vượt lên cao hơn tâm thức của thày.
Lý do thứ hai đã làm tha hóa võ thuật là lòng kiêu hãnh. Điều này thường xảy ra tại phương Tây nhiều hơn là phương Đông mặc dầu ở phương Đông cũng không phải là không có. Tại phương Tây, người ta thường bị cuốn hút vào tinh thần tranh đua hão huyền, và võ thuật bỗng nhiên trở thành một cách tranh đua với người khác để chứng tỏ là mình hơn người. Luồng Khí bị hướng đi sai lối và mọi khía cạnh tiêu cực trong tâm thức người đó bị khuếch đại, đặc biệt là lòng kiêu hãnh và kiêu ngạo như trong trường hợp này. Rất nhiều người tập võ bị làm mồi cho cám dỗ tinh tế này, và rốt cuộc họ sử dụng năng lượng trinh nguyên của Thượng đế để phóng đại ham muốn hư danh của tự ngã. Giản dị, đây không phải là mục đích thực sự của những hình thức võ thuật chân chính.
Nếu con đi ngược trở về nguồn gốc của bất kỳ phong trào võ thuật nào, con cũng sẽ tìm thấy muc tiêu thực sự của võ thuật không phải là tự vệ. Đó chỉ là một khía cạnh thực tiễn của võ thuật, khởi sinh từ những thời buổi bạo lực và sơ khai hơn. Nhưng mục đích thật của võ thuật là sự tăng trưởng tâm linh qua việc điều ngự các năng lượng của thế giới vật chất và sự hướng dẫn năng lượng tâm linh xuyên qua tâm thân. Mục tiêu thật của võ thuật không bao giờ là làm cho cơ thể trở nên toàn hảo mà là biến cơ thể thành người đầy tớ khiêm nhu, vâng lời, của tâm. Đây mới chính là muc tiêu thực sự của mọi cách tiếp cận võ thuật.
Trong thế giới ngày nay, có rất nhiều người chưa sẵn sàng ôm lấy con đường tu tâm linh qua những giáo lý thuần túy tâm linh. Đối với những người như thế, đặc biệt là giới trẻ, võ thuật có thể là một lối vào khả dĩ sẽ dẫn họ đến việc khám phá ra đường tu tâm linh một khi họ già dặn hơn. Tất nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ không bị cuốn vào hai đối cực của sợ hãi và kiêu ngạo.
Riêng ta đã được học hỏi nhiều giáo lý của phương Đông khi ta du hành đến đó, nhưng ta chỉ tập trung vào các giáo lý tâm linh thuần túy chứ không được học võ thuật.